VPBank huy động thành công khoản vay 300 triệu USD từ tập đoàn tài chính Mỹ

(Banker.vn) Sáng ngày 10/9, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE:VPBank) và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký Cam kết khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD. Theo đó, VPBank sẽ nhận khoản vay song phương có kỳ hạn 7 năm từ tập đoàn tài chính Mỹ cấp.

Được biết, khoản vay được thu xếp bởi DFC nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

VPBank huy động thành công khoản vay 300 triệu USD từ tập đoàn tài chính Mỹ

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – US International Development Finance Corporation (DFC) là một tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ Mỹ, được thành lập năm 2019 theo Đạo luật Sử dụng Nguồn lực đầu tư của Hoa Kỳ và tập trung đưa nguồn lực tư nhân tới các khu vực đang phát triển. DFC có sứ mệnh thúc đẩy các chính sách ngoại giao của Hoa kỳ và thúc đẩy đầu tư phát triển trong khu vực tư nhân.

Lễ ký Cam kết thu xếp tài chính giữa DFC và VPBank được tổ chức trang trọng tại trụ sở chính của VPBank tại Hà Nội sáng nay, dưới sự chứng kiến của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam – ông Marc Knapper, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu – ông John Kerry, Tổng giám đốc DFC – ông Scott Nathan, và Chủ tịch HĐQT VPBank – ông Ngô Chí Dũng, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của hai tổ chức.

Khoản vay 300 triệu USD có giá trị tương đương 7.200 tỷ đồng, với thời hạn vay 7 năm. Theo VPBank, khoản vay sẽ là nguồn bổ sung tài chính quan trọng giúp ngân hàng củng cố nền tảng vốn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tài chính bền vững phù hợp với chiến lược phát triển, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp SME, doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và chuyển dịch danh mục đầu tư vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu và công nghệ phát thải carbon thấp tại Việt Nam.

Trước khoản vay được cấp bởi DFC, VPBank đã liên tiếp huy động thành công nhiều khoản vay tài chính bền vững quốc tế có quy mô lớn, với tổng giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD từ năm 2020.

Cụ thể, trước đó vào cuối năm 2022 vừa qua, VPBank cũng đã huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính danh tiếng là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

Về bức tranh tài chính của VPBank, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng đầu năm của ngân hàng mẹ VPBank đạt 17.485 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là 6 tháng đầu năm 2022 lợi nhuận của VPBank tăng đột biến do có khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm của AIA. Lợi nhuận ngân hàng mẹ 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 8.000 tỷ đồng.

Tính tới hết quý II/2023, các công ty con trong hệ sinh thái ghi nhận kết quả tích cực trong quý 2, đóng góp vào lợi nhuận chung của ngân hàng.Tuy vậy, do khó khăn chung của thị trường, sự phục hồi của FE Credit chậm hơn dự kiến khiến lợi nhuận hợp nhất của VPBank không đạt kỳ vọng. Điểm tích cực là FE Credit bước đầu ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện với mức lỗ đã giảm dần so với đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 hợp nhất của VPBank, kết thúc quý II/2023, huy động và cho vay của VPBank tăng trưởng tốt. Huy động tiền gửi khách hàng hợp nhất tăng 28% so với cuối năm 2022, đạt gần 388 nghìn tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng nằm trong top đầu thị trường khi so sánh với mức tăng trưởng huy động 3.3% của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, tại ngân hàng mẹ, huy động của khối khách hàng cá nhân có mức tăng ấn tượng 45% nhờ chiến lược thu hút khách hàng phủ rộng, với loạt sản phẩm tiền gửi có kỳ hạn phong phú. Cùng với đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng trong quý 2 ghi nhận mức tăng 23% so với quý trước đó, riêng khối Khách hàng cá nhân đạt mức tăng 39% so với quý 1. Tín hiệu tích cực từ xu thế tăng trưởng CASA của VPBank – đặt trong bối cảnh CASA tăng trưởng chậm trong các quý trước, phần nào phản ánh nỗ lực của ngân hàng trong các chiến dịch marketing định kỳ, phủ mã QR, kết hợp với việc đa dạng hóa tính năng thanh toán, kích hoạt tài khoản trên ngân hàng số VPBank NEO.

Tín dụng hợp nhất của ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2023 tăng hơn 10% so với đầu năm 2023. Riêng ngân hàng mẹ đạt mức tăng hơn 13% – cao hơn nhiều mức trung bình ngành (4,7%), nhờ đóng góp từ hai khối chiến lược với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong tổng dư nợ của ngân hàng mẹ. Dư nợ tín dụng của phân khúc khách hàng cá nhân nói riêng đạt hơn 220 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% từ đầu năm.

Mặc dù tín dụng tăng trưởng tốt, song nợ xấu của VPBank cũng tăng mạnh. Tại thời điểm 30/6/2023, nợ xấu nhóm 4 và nhóm 3 của ngân hàng mẹ VPBank tăng lần lượt gấp 2 và gấp 3 lần, riêng nợ xấu nhóm 5 giảm nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ ở mức 3,87%, tăng so với mức 2,8% cuối năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VPB kết phiên 08/09 ở mức 21.800 đồng/cp, tăng đến 22% so với đầu năm. Thanh khoản bình quân gần 17 triệu cp/ngày.

Nhiều công ty chứng khoán "ôm" trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết

Thời điểm hiện tại, khá nhiều các công ty chứng khoán đang đầu tư giá trị lớn vào trái phiếu doanh nghiệp, quy mô có ...

Lãi suất ngân hàng VPBank tháng 9/2023: Cao nhất 5,8%/năm

Bước sang đầu tháng 9/2023, ngân hàng VPBank đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tại hầu hết các kỳ hạn dành cho ...

Khối ngoại bất ngờ "quay xe" gom gần 45 triệu cổ phiếu VPB chỉ trong 2 phiên

Các giao dịch ‘khủng” này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) công bố về việc điều ...

Hải Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán