VPBank báo lãi 9 tháng hơn 11.700 tỷ đồng, thu nhập ngoài lãi tăng gấp rưỡi cùng kỳ

(Banker.vn) Trong 9 tháng đầu năm nay, VPBank đã trích 13.631 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, cao hơn 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương hơn một nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, tổng thu nhập hoạt động của VPBank đạt 33.231 tỷ đồng, tăng 17,3% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Đóng góp chính vẫn đến từ thu nhập lãi thuần với 25.826 tỷ đồng, tăng 9,4%.

Mảng dịch vụ với sự khởi sắc từ hoạt động thanh toán và bảo hiểm cũng thu về cho VPBank 2.863 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 23,2%.

Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng đột biến lên 2.367 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh khác cũng đem về 2.224 tỷ đồng lãi thuần, tăng 47,1%.

Nhờ đó, thu nhập ngoài lãi của VPBank đã tăng hơn gấp rưỡi cùng kỳ với mức 7.405 tỷ đồng, chiếm hơn 22% tổng thu nhập hoạt động.

Với việc cắt giảm 8,8% chi phí hoạt động xuống 7.864 tỷ đồng, tỷ lệ CIR của ngân hàng đã giảm từ 30,4% xuống 23,6%. Trong đó, cắt giảm chủ yếu vào chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên.

Trong 9 tháng đầu năm nay, VPBank đã trích 13.631 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, cao hơn 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương hơn một nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Kết quả kinh doanh quý III/2021 của VPBank

Tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của VPBank đạt 479.432 tỷ đồng, tăng 14,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,1% lên 317.291 tỷ đồng; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng mạnh 152% lên 34.832 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng 70% lên 29.654 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, nếu xét riêng ngân hàng mẹ, số dư nợ xấu chỉ tăng 4,2% lên 5.814 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thậm chí giảm từ mức 2,52% xuống 2,28%. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết hoạt động kinh doanh của công ty tài chính FE Credit bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Điều này đã khiến nợ xấu của FE Credit tăng mạnh thời gian qua.

Theo báo cáo hợp nhất (bao gồm của cả FE Credit), nợ xấu của VPBank đã tăng 28% trong 9 tháng đầu năm lên 12.702 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu từ mức 3,41% lên 4%.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông Tư 41 của ngân hàng ở mức 12,42%.

Một số chỉ tiêu tài chính của VPBank

Lưu Lâm (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán