Vốn ngân hàng - Lực đẩy thoát nghèo cho người dân vùng đất Bazan

(Banker.vn) Những cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank được ví như “đàn kiến” cần mẫn mang đồng vốn đến người dân vùng đất Bazan
Nguồn vốn chính sách: Nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào nghèo Quảng Nam: Đồng bào dân tộc thiểu số sớm thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi Khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ hợp tác xã phát triển kinh tế

“Bồi đắp” tình yêu từng ngày

Là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của đất nước, đây cũng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số (Xêđăng, Bana, Giarai, Êđê, Coho, Mạ, Mơnông….) với truyền thống văn hóa độc đáo, song kinh tế Tây Nguyên đang rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngay từ khi thành lập ngân hàng cách đây 35 năm, những cán bộ tín dụng của Agribank đã mang vốn lên để xây dựng vùng kinh tế mới, vùng đất bazan còn nhiều tiềm năng nhưng vẫn đầy khó khăn, trở ngại trong phát triển kinh tế. Vì thế, Agribank đã đồng hành gần nửa đời người, chứng kiến bao thăng trầm của nền kinh tế nơi đây.

“Tây Nguyên là địa bàn thiếu vốn, nên Agribank phải mang vốn từ miền xuôi ngược lên đây cho vay, vì kinh tế phát triển, thì an ninh xã hội mới vững chắc. Do là đồng bào dân tộc thiểu số nên bà con hạn chế về kỹ năng, về trình độ, bà con cứ vật lộn từ cây cà phê, sang cây hồ tiêu, sang cây sắn... Hiện giờ, đang có những rừng cao su bị phá để chuyển sang cây sầu riêng. Nhìn chung, bà con vẫn đang tự mình tìm đường đi, nên khó khăn vẫn đang còn nhiều phía trước”, bà Phượng chia sẻ.

Dù khó khăn là thế, nhưng Tây Nguyên đang ngày càng phát triển. Người nông dân vùng nắng gió đại ngàn đã không ngừng cố gắng vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Câu chuyện làm giàu của người nông dân Nguyễn Văn Thành (thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là một thí dụ. Ông Thành đã gắn bó với Agribank suốt hơn 20 năm nay, kể từ khi ông từ chiến trường Campuchia trở về và tới Ngọc Hồi lập nghiệp.

Trong ngôi nhà khang trang với cơ ngơi trang trại trù phú, ông Nguyễn Văn Thành nhớ lại, năm 1998, ông mạnh dạn vay Agribank chi nhánh Ngọc Hồi khoảng 20 triệu đồng để trồng cà phê, hồ tiêu. Nhưng được một thời gian, khi giá cà phê, tiêu xuống thấp, ông lại gom toàn bộ vốn liếng, tài sản chuyển sang đầu tư nuôi heo và triển khai mô hình VAC. Đến thời điểm heo rớt giá trong suốt ba năm từ 2017 đến 2019 gây thua lỗ tới hàng chục tỷ đồng, ông Thành tưởng chừng không gượng dậy được.

“Nhưng nhờ Agribank chi nhánh Ngọc Hồi tạo điều kiện, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất; lại được sự động viên của chính quyền địa phương mà tôi quyết tâm vượt qua”, ông Thành tâm sự. Vì vậy gia đình ông đã “đứng dậy” từ bờ vực phá sản và đến nay, gia đình ông đã có 10 héc-ta trong đó 7 héc-ta trồng cà phê, hồ tiêu, cau xuất khẩu; còn 3 héc-ta, ông đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi mấy trăm heo nái, lợn rừng, gà. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, nguồn thu từ trang trại cũng mang lại cho gia đình ông Thành tiền lãi từ 1,8 đến 2 tỷ đồng. Từ khoản vay lên đến 12 tỷ đồng, hiện ông Thành cũng đã trả được phần lớn, chỉ còn dư nợ hơn 3 tỷ đồng.

Cũng giống ông Thành, ông Bùi Văn Quyển (làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) gắn bó với mảnh đất Kon Tum và ngân hàng Agribank từ những năm 1990. Với vài héc-ta đất để khai hoang trồng cao su, đến nay, gia đình ông đã có khoảng 40 héc-ta trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; mỗi năm cho giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng.

Vốn ngân hàng - Lực đẩy thoát nghèo cho người dân vùng đất Bazan
Ông Bùi Văn Quyển (áo trắng thứ hai từ phải sang) giới thiệu với đoàn cán bộ Agribank về mô hình trồng sầu riêng được hình thành nên từ vốn vay ngân hàng

Ông Quyển chia sẻ, thời gian đầu gia đình ông chủ yếu tập trung trồng cây cao su với diện tích lên đến hàng chục héc-ta. Nhưng bởi là người ham mày mò, học hỏi, nên vào những lúc bớt bận bịu, ông Quyển lại đi khắp nơi từ Tiền Giang, Bến Tre sang Đắk Lắk, Đắk Nông để tìm hiểu thêm về các mô hình trồng cây công nghiệp khác. Sau khi tìm hiểu, trở về, ông quyết tâm thay đổi dần cơ cấu cây trồng, chặt bớt cây cao su và tập trung trồng cây sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng của ông đã được 6 năm tuổi và đang hứa hẹn đến kỳ “hái quả”. Và một điều đáng mừng, trong suốt quá trình “trăn trở” làm kinh tế ấy luôn có sự đồng hành, cung ứng vốn tín dụng kịp thời từ ngân hàng. Đến nay, hộ ông Quyển đang có dư nợ gần 7 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh huyện Sa Thầy với lãi suất tùy thời điểm từ6,5% đến 8,5%/năm.

Đánh giá vai trò của Agribank trong phát triển kinh tế địa phương, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, cho biết thời gian qua, vốn đầu tư của Agribank chi nhánh huyện Sa Thầy rất hiệu quả. Nếu không có vốn ngân hàng đầu tư thì người dân nơi đây không thể nào có đủ nguồn lực để mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng. Chẳng hạn, đầu tư 1 ha cây sầu riêng tốn khoảng 200 triệu đồng mà 5 năm sau mới thu hoạch được, kỹ thuật chăm sóc cây cũng đòi hòi cao hơn. Nhờ sự hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn kịp thời của Agribank, giúp cho đời sống bà con nơi đây ngày càng cải thiện năm sau cao hơn năm trước. Hiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ dân là 36 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu đến cuối năm nay đạt nông thôn mới, đạt thu nhập bình quân 42 triệu/người/năm. Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân theo hướng nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho người dân.

Có thể thấy, niềm tin, tình yêu của bà con nông dân đối với Agribank được "bồi đắp" từng ngày. Những năm tháng gặp khó khăn về thời tiết, về đầu ra sản phẩm hay gần đây là đại dịch chưa từng có trong lịch sử, Agribank vẫn luôn đồng hành cùng khách hàng.

“Đàn kiến” cần mẫn mang vốn cho vùng đất "phên dậu"

Để có được những kết quả đáng ghi nhận, ngoài sự cố gắng của người nông dân là những nỗ lực âm thầm của những cán bộ tín dụng Agribank. Họ như đàn kiến cần mẫn mang những đồng vốn đến với vùng “phên dậu” của tổ quốc. Bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank Kon Tum cho biết, với mục tiêu đi xa và đi với nhiều người, Agribank Kon Tum luôn quan tâm đến việc đồng hành, hỗ trợ đời sống của người dân ngày càng phát triển. Thấu hiểu tâm lý e ngại khi làm dự án, hồ sơ, thủ tục vay vốn của bà con, đội ngũ cán bộ tín dụng của Agribank Kon Tum thường xuyên bám cơ sở, tận tình giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm… để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và phát triển kinh tế.

“Đặc biệt, điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng có cơ cấu tổ chức như một chi nhánh của Agribank phục vụ không những hai xã Mô Rai và Hơ Moong thuộc huyện Sa Thầy mà còn hỗ trợ khách hàng ở huyện biên giới như Ia H’Drai đến giao dịch”, bà Hòa nói.

Vốn ngân hàng - Lực đẩy thoát nghèo cho người dân vùng đất Bazan
Năm 2022, Agribank Kon Tum đã triển khai 84 phiên bằng xe ô tô chuyên dùng với tổng số 2.123 lượt khách hàng giao dịch

Là một trong những người có thâm niên lâu đời gắn bó với Agribank miền Tây Nguyên, anh Quang (Agribank Gia Lai) không bao giờ quên được tình huống dở khóc dở cười mà anh gặp phải khi làm tín dụng nơi đây. “Những ngày đầu, khi Agribank mới thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tây Nguyên, khi đó, khái niệm tín dụng đối với bà con thực sự rất mơ hồ, chưa kể, bất đồng ngôn ngữ khiến cho việc giao dịch rất khó khăn. Nhiều bà con dân tộc, lần đầu tiên được vay vốn, còn ngỡ ngàng không biết phải làm gì. Song, vì là “tiền nhà nước” nên họ không dám tiêu, mà mang về gói kín rồi… gác lên góc bếp.

Đến hạn, khi cán bộ tín dụng vào nhà tất toán hợp đồng, bà con mang nguyên gói tiền ra trả, không thừa, không thiếu một xu. Lúc đó, chúng tôi phải giải thích cho bà con hiểu và hướng dẫn họ cách sử dụng đồng vốn, cùng bà con bàn bạc tìm hướng đi để bắt đồng vốn phục vụ cuộc sống, sinh sôi nảy nở”, anh Quang kể.

Anh Nguyễn Bá Nhàn - Giám đốc Agribank huyện Chư Prông cũng là người đã gắn bó với núi rừng Tây Nguyên hơn 20 năm nay. Đôi chân anh đã vượt hàng nghìn km đường rừng núi mang vốn đến với buôn làng.

“Người dân ở đây thật thà, chân chất mà thương lắm. Cán bộ tín dụng, mang vốn đến cho dân làm ăn, chi tiêu lúc khó khăn, được dân coi như người nhà, mọi vui buồn trong cuộc sống đều chia sẻ. Nhà có đám hiếu, đám hỷ hay hội hè, lễ Tết gì, cũng nhất định phải mời bằng được cán bộ tín dụng đến để chung vui, uống chén rượu mới tình cảm. Mỗi cán bộ tín dụng phụ trách khoảng 400 - 500 hộ khách hàng là chuyện bình thường, có những huyện, mỗi cán bộ tín dụng còn phải phụ trách tới 700 - 800 khách hàng. Nhiều thế, nên chuyện cán bộ tín dụng suốt ngày được mời đến bà con là chuyện… cơm bữa. Khó khăn nhất vẫn là cán bộ tín dụng nữ, đường sá xa xôi, có nhà dân cách chi nhánh tới gần 100km. Đường rừng núi đất đỏ bazan, mùa nắng bụi ném từng vốc vào mặt, mù mịt không thấy đường, mùa mưa thì ôi thôi, nhão nhoét, phải quấn xích vào bánh xe chống trơn trượt mới đi nổi. Chưa kể, những chuyến vào buôn làng xa mà gặp mưa rừng thì xác định là được cách ly luôn trong đó 1-2 ngày”, anh Nhàn chia sẻ.

Vượt qua tất cả, những cán bộ tín dụng của Agribank vẫn ngày ngày cần mẫn đưa từng đồng vốn lên với bà con. Những khách hàng lớn vay vốn trồng cao su, trồng tiêu, điều hay cây ăn quả như bơ, sầu riêng… với dư nợ tiền tỷ chỉ là bề nổi, còn đằng sau là những hộ dân người bản địa, dân tộc sống trong buôn làng xa xôi, vay vốn chỉ dăm ba chục triệu để canh tác, tiêu dùng.

"Cho vay những hộ này, tiền ít, lãi ít, thủ tục lại phức tạp, mất thời gian công sức, nhưng lại là một công việc mang lại nhiều cảm xúc nhất. Bởi vì, những đồng vốn ít ỏi đó, nó là bát cơm, tấm áo làm ấm bụng, là viên thuốc lúc ốm đau, là cơ hội được canh tác ổn định trên mảnh đất quê hương của người dân, không phải du canh du cư nay đây mai đó. Vì thế, việc cho vay vốn các hộ dân tộc người bản địa không chỉ là niềm vui, mà là một trong những mục tiêu của chúng tôi”, ông Nguyễn Dự - Giám đốc Agribank Gia Lai tâm sự.

Tất nhiên, cho vay vốn cũng có những lúc rủi ro. Với những bà con dân tộc, khi đến hạn, chưa trả được nợ, họ lo lắng và day dứt lắm. Có những lần, chúng tôi đến hộ dân tất toán khoản vay, chủ hộ không có tiền trả nên trốn ra đằng sau nhà, xúi con nhỏ lên bảo bố mẹ đi rẫy vắng. Biết họ cũng khó khăn, nên chúng tôi đã vào động viên, chia sẻ, tìm hiểu nguyên nhân chậm trả nợ, từ đó cùng giúp họ nghĩ ra phương án làm ăn, để không phải nợ nần và có thể phát triển kinh tế hộ. Chính những người đã từng “trốn nợ”, sau lại là khách hàng trung thành và thường xuyên của Agribank. Vì thế, nợ xấu của chúng tôi luôn chỉ ở mức 0,3%”, anh Đồng Ngọc Danh (Agribank Chư Prông) chia sẻ.

Một tín hiệu đáng mừng, đó là những đồng vốn của Agribank đã góp phần hạ nhiệt hiểm họa tín dụng đen vùng Tây Nguyên. Với chủ trương xử lý hồ sơ nhanh chóng, giải ngân trong vòng 24 giờ sau khi được duyệt vay, nhiều xã ở Tây Nguyên không còn tình trạng “tín đụng đen” hoành hành.

Có thể nói, vì sự phát triển của vùng đất lịch sử, địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”, “nóc nhà của Đông Dương”, các cán bộ, nhân viên Agribank vẫn ngày, đêm tiếp tục là người đồng hành tin cậy, sát cánh cùng người dân Tây Nguyên.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục