Vốn hóa VinFast trụ vững mốc 86 tỷ USD, bỏ xa giá trị của hai sàn HNX và UPCoM

(Banker.vn) Cổ phiếu VFS có phiên thứ ba tăng điểm liên tiếp nhưng không còn tạo sóng, đóng cửa ở mức 37,03 USD/cp, tăng nhẹ 0,84%, tương ứng vốn hóa thị trường đạt 86 tỷ USD.
Vốn hóa VinFast trụ vững mốc 86 tỷ USD, bỏ xa giá trị của hai sàn HNX và UPCoM
Sắc xanh được duy trì, cổ phiếu của VinFast vững vàng ở vùng giá 37 USD

Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu VFS bắt đầu giao dịch ở mức 30,17 USD/cp, giảm gần 18% so với giá đóng cửa phiên liền trước, đặt ra e ngại về kịch bản không mấy khả quan như các phiên giảm điểm trước đó.

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, sắc xanh đã xuất hiện trở lại. Lực mua tăng lên đã đẩy cổ phiếu VFS bật ngược trở lại vùng giá 35 USD rồi vọt lên mức 45 USD/cp - mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn Nasdaq.

Giá cổ phiếu tăng tới 22,5% ngay lập tức đã làm nảy sinh áp lực chốt lời, khiến nhà đầu tư liên tục bán ra. Kết quả là, sau 1 tiếng, VFS đảo chiều giảm mạnh, xuống còn 34,51 USD/cp.

Chưa đầy nửa tiếng sau, cổ phiếu của VinFast hồi phục, tăng lên mức 38,27 USD.

Tưởng chừng phiên giao dịch này sẽ trở nên đầy kịch tính nhưng trong phần lớn thời gian giao dịch còn lại, trong thế giằng co giữa phe mua và phe bán, cổ phiếu VFS chỉ dao động trong vùng giá 35 - 35 USD.

Vốn hóa VinFast trụ vững mốc 86 tỷ USD, bỏ xa giá trị của hai sàn HNX và UPCoM
Cổ phiếu VFS đã có phiên thứ ba tăng điểm liên tiếp

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu VFS đạt 37,03 USD/cp, nhích nhẹ 0,84% so với giá chốt phiên 22/8, xác lập phiên thứ ba tăng điểm liên tiếp.

Theo đó, vốn hóa của VinFast đạt gần 86 tỷ USD, giữ vững vị trí “á quân” trong bảng xếp hạng những hãng xe điện giá trị nhất thế giới. Không chỉ vậy, với con số này, giá trị của VinFast đã cao gấp 1,5 lần tổng giá trị vốn hoá của hai sàn chứng khoán Việt Nam là sàn HNX và sàn UPCoM.

Tại thời điểm cuối phiên 23/8, vốn hoá sàn HNX đạt hơn 288.000 tỷ đồng trong khi UPCoM đạt 924.000 tỷ đồng, tổng cộng là 1,2 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 51 tỷ USD.

Thêm một điểm đáng chú ý, tổng khối lượng giao dịch trong ngày của cổ phiếu VFS đạt hơn 8,2 triệu đơn vị, gấp 1,8 lần số lượng cổ phiếu VFS giao dịch tự do, hiện chỉ khoảng 4,5 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy giới đầu tư đang quay vòng cổ phiếu này rất nhanh.

Cũng cần nhắc lại, tỷ lệ free float của cổ phiếu VFS hiện chưa tới 1%, tức là ở mức rất nhỏ. Do đó, độ chênh lệch giá mua - bán của mã này sẽ khá rộng, dẫn tới việc dễ xảy ra biến động. Theo các chuyên gia, với diễn biến như hiện tại, sẽ cần thêm thời gian để xác định mức giá cân bằng hơn của cổ phiếu VinFast cũng như vốn hóa của hãng xe điện này. Biến động sẽ trở nên chính xác hơn khi tỷ lệ free float cao hơn.

Trước đó, trong buổi phỏng vấn với hãng tin CNN ngày 22/8, khi đề cập đến vấn đề tỷ lệ free float thấp của cổ phiếu VFS, CEO Lê Thị Thu Thuỷ cho biết, VinFast sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường. Số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.

Cũng trong ngày 22/8, VinFast công bố, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã cấp chứng nhận quãng đường di chuyển tối thiêu đạt 330 dặm cho phiên bản Eco (khoảng 531 km) và 291 dặm với phiên bản Plus (hơn 468 km) sau mỗi lần sạc pin cho mẫu xe điện VF9 của VinFast. Đây là thông số vượt trội so công bố ban đầu 423km của VinFast, khẳng định nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của thương hiệu xe đình đám này.

Vốn hóa VinFast trụ vững mốc 86 tỷ USD, bỏ xa giá trị của hai sàn HNX và UPCoM
Mẫu xe VF9 của VinFast.

Hiện tại VF9 đã được bàn giao cho khách hàng tại thị trường Việt Nam trong năm nay và đang được mở đặt chỗ trên toàn cầu. Dự kiến, quý IV/2023, mẫu xe này sẽ được bàn giao tới khách hàng tại thị trường Bắc Mỹ.

Trong một diễn biến khác, mới đây, tận dụng “tiếng vang” thu được từ việc niêm yết trên sàn Nasdaq, VinFast đã ra mắt chiến dịch quảng cáo mới, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức người tiêu dùng Mỹ về các mẫu SUV của hãng xe Việt. Với chiến dịch được xem là để “tấn công tổng lực” thị trường Mỹ, VinFast đã lựa chọn hợp tác cùng nam diễn viên, ca sỹ, nhạc sỹ kiêm người dẫn chương trình Joey Lawrence.

Về nội dung, quảng cáo này giới thiệu một số tiện nghi sang trọng, có thể coi là lợi thế cạnh tranh của mẫu xe VF8 tiêu biểu là: tính năng thông gió ở hàng ghế phía sau (không có trên mẫu xe sang như BMW iX); trang bị cửa sổ trời mở toàn cảnh (không có ở hầu hết các mẫu crossover chạy điện).

Đáng chú ý, trọng tâm của quảng cáo là chế độ bảo hành của hãng xe điện Việt, cụ thể là, chủ sở hữu có thể đạt tới một triệu dặm và bộ pin vẫn được bảo hành.

VinFast "Mỹ tiến" chưa lâu, Vinhomes "rục rịch" chào bán 500 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế

Kế hoạch huy động vốn ngoại thông qua kênh trái phiếu được Vinhomes công bố ngay khi VinFast chính thức có phiên giao dịch đầu ...

VinFast có phiên giao dịch đầu tuần hứng khởi, giành lại ngưỡng vốn hóa 40 tỷ USD

Bước sang tuần mới, cổ phiếu VFS đã có một phiên giao dịch đầy hứng khởi. Sắc xanh trở lại đã đưa vốn hoá VinFast ...

CEO VinFast tiết lộ kế hoạch kinh doanh táo bạo, cổ phiếu lập tức “phi nước đại” hơn 108%

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, CEO Lê Thị Thu Thuỷ đã chia sẻ về kế hoạch kinh doanh táo bạo của ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán