Vốn FDI đăng ký tăng thêm, tín hiệu tích cực từ môi trường đầu tư

(Banker.vn) Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng thêm tăng 59,3% là tín hiệu tốt, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng vào triển vọng môi trường đầu tư Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật Bản nêu 3 lý do dừng chân tại Vĩnh Phúc ABAC III 2022: Cơ hội để Việt Nam khẳng định thành tựu chống dịch và quảng bá môi trường đầu tư

7 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 92% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn FDI đăng ký mới giảm 43,5%, ngược lại dòng vốn đăng ký tăng thêm lại tăng mạnh 59,3%. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, TS Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về vấn đề này.

7 tháng đầu năm 2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 92% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó vốn đăng ký mới giảm mạnh, nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng thêm lại tăng khá cao. Ông đánh giá ra sao về hiện tượng này?

Vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 59,3%, tín hiệu tích cực với môi trường đầu tư
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Toàn Thắng

Dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm giảm mạnh (43,5%) so với cùng kỳ, điều đó cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư khi đầu tư ra nước ngoài với tốc độ hồi phục kinh tế hiện nay tương đối rủi ro, do đó họ cũng cân nhắc đầu tư ở đâu, đầu tư vào thời điểm nào là thích hợp, dẫn đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư theo hình thức đăng ký mới vào Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm vốn FDI đăng ký tăng thêm lại tăng mạnh với 59,3%, đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài không khai thác và chuyển toàn bộ lợi nhuận về nước mà vẫn tiến hành tái đầu tư, mở rộng đầu tư kinh doanh được Việt Nam.

Vốn đầu tư tăng thêm tăng mạnh cũng có thể do, việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường được thực hiện nhanh hơn dự án đầu tư đăng ký mới, nên nhà đầu tư nước ngoài chọn cách đầu tư này. Đây cũng là triển vọng tốt cho thu hút đầu tư của Việt Nam trong năm 2023.

Tập đoàn Samsung mới đây vừa đưa ra thông tin, tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. Điều này sẽ tác động như thế nào với môi trường đầu tư Việt Nam, thưa ông?

Chip bán dẫn là sản phẩm ảnh hưởng đến tất cả các sản phẩm điện tử khác như: Phần lõi, mạch của tất cả các sản phẩm điện tử. Theo đó, trên thế giới doanh nghiệp nào nắm được phần mạch sản xuất chip thì doanh nghiệp đó điều khiển được chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung sẽ sản xuất các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam là một “tin vui” cho nền sản xuất của Việt Nam, đây cũng là tín hiệu tốt cho môi trường tư của Việt Nam nếu thực sự tập đoàn này chuyển một phần sản xuất lõi vào Việt Nam, vì từ trước đến nay họ chỉ tập trung vào lắp ráp dựa trên linh kiện nhập khẩu từ bên ngoài.

Vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 59,3%, tín hiệu tích cực với môi trường đầu tư
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tăng vốn đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mang lại thì việc Tập đoàn Samsung sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam cũng có những thách thức về tính khả thi khi thực hiện dự án và thách thức về nguồn nhân lực. Liệu nhân lực Việt Nam có đáp ứng được ở mức độ yêu cầu của dự án không, đó lại là việc cần bàn.

Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất của các tập đoàn lớn đang có ý định mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hiện nay?

Thực tế đào tạo ở Việt Nam hiện nay trình độ đại học, thậm chí cao hơn đại học thì nhiều, nhưng đào tạo theo hình thức dạy nghề thì lại ít. Trong khi đó, với những ngành sản xuất mang tính kỹ thuật cao, họ không đòi hỏi nguồn lao động mang tính cao hẳn theo kiểu nghiên cứu ở các trường đại học hay trên đại học mà cái họ cần là những công nhân lành nghề hay các kỹ thuật viên được đào tạo 3 năm ở các trường nghề.

Bên cạnh đó, việc các trường nghề tại Việt Nam vẫn đào tạo theo năng lực, mà chưa chú trọng đào tạo theo tín hiệu thị trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp, nên chất lượng lao động chưa được đánh giá cao.

Để nâng cao chất lượng lao động, theo tôi cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo “cú huých” các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Ví dụ, Nhà nước có thể xây dựng những dự án nghiên cứu, xem thị trường lao động Việt Nam đến năm 2025 cần bao nhiêu nhân lực trong ngành điện tử, logistics… để giúp các cơ sở đào tạo chuyển hướng, đào tạo sát hơn, trúng hơn với nhu cầu thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố hồi đầu tháng 8 cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề và kỹ năng quản lý. Cụ thể, có khoảng hơn 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý, trong khi đó 68% doanh nghiệp cho biết khó tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật theo việc làm cụ thể. Nguyên nhân một phần là bởi các chính sách, chi phí đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam chưa cao, ngoài ra nguồn vốn nhà nước đầu tư cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục