VNG (Vinagame) được cấp mã chứng khoán, chuẩn bị giao dịch trên thị trường UpCOM

(Banker.vn) Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán cho Công ty CP VNG (Vinagame)- một trong 4 "kỳ lân" (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

Cụ thể, VNG được cấp mã chứng khoán là VNZ và số lượng chứng khoán đăng ký là hơn 35,8 triệu cổ phiếu, bắt đầu từ ngày 23/12/2022, VSD nhận lưu ký số cổ phiếu đăng ký trên.

Trước đó, ngày 18/11, VNG cho biết ngày 28/11, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch tại UPCoM. Sau ngày 28/11, VNG sẽ dừng mọi thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu cho đến ngày cổ phiếu được chính thức giao dịch trên sàn UpCom trừ các giao dịch được UBCKNN chấp thuận.

VNG (Vinagame) được cấp mã chứng khoán, chuẩn bị giao dịch trên thị trường UpCOM

VNG chính thức có mã chứng khoán. Hình minh họa

Bên cạnh đó, VNG cũng vừa công bố giao dịch của 2 công ty con là Công ty CP Dịch vụ - Dữ liệu công nghệ thông tin VI NA (VNG Cloud) và Công ty CP Dịch vụ mạng Vi Na. Theo đó, VNG Cloud đăng ký chuyển nhượng toàn bộ hơn 1,1 triệu cổ phần của VNG mà công ty này đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ 3,1% vốn điều lệ.

Tương tự, Công ty CP Dịch vụ mạng VI NA cũng chuyển nhượng toàn bộ 5.550 cổ phần của VNG tương đương tỷ lệ 0,02% vốn điều lệ và không còn sở hữu cổ phần nào sau khi giao dịch thành công.

Được biết, VNG Cloud được thành lập ngày 26/2/2007; có địa chỉ chính tại tòa nhà Helios, lô 6, đường số 3 Công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM; với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là dịch vụ quản lý, vận hành máy móc, thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin.

VNG Cloud trải qua nhiều lần thay đổi người đại diện pháp luật. Cụ thể, trong nhiều năm liền, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Phương Thùy (sinh năm 1979, từng là thành viên Ban kiểm soát VNG tính đến ngày 24/10/2022), sau đó được thay đổi cho ông Đặng Thế Tài (sinh năm 1971) vào tháng 11/2021, ông Tài cũng đảm nhiêm luôn vị trí CEO VNG Cloud. Tuy nhiên đến đầu tháng 6 năm nay, ông Tài thôi chức CEO và đại diện pháp luật, chuyển giao toàn bộ vị trí cho ông Lê Hồng Minh (Chủ tịch VNGhiện tại). Tính đến thời điểm 30/9/2022, VNG sở hữu 99,94% vốn tại VNG Cloud.

Còn Công ty CP Dịch vụ Mạng Vi Na thành lập ngày 29/12/2007; trụ sở tại 52 Nguyễn Ngọc Lộc, phường 14, quận 10, TPHCM với ngành nghề chính là dịch vụ trung gian thanh toán. Từ khi thành lập đến nay, Công ty do ông Lê Hồng Minh làm Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật. Tính đến 30/9/2022, VNG sở hữu 99.95% vốn Dịch vụ Mạng Vi Na.

Trong một diễn biến khác, gần đây, cổ đông VNG đã thông qua bán tối đa 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty CP Công nghệ BigV (có vốn điều lệ đã góp là 101 tỷ đồng). Theo phương án của HĐQT, giá bình quân mua vào là 177.881 đồng/cp, dự kiến thu về hơn 1.264 tỷ đồng. Phương thức chào bán là chào bán riêng lẻ.

Mức giá này chỉ bằng 1/10 so với mức giá 1,7 triệu đồng/cp mà Công ty quản lý quỹ Mirae Asset đã mua vào trong năm 2021. Trước đó, vào năm 2019, VNG cũng trực tiếp bán cổ phiếu quỹ cho Temasek với mức giá 1,86 triệu đồng/cp.

Được biết, BigV có vốn điều lệ đã góp là 101 tỷ đồng, được thành lập từ tháng 08/2021, người đại diện pháp luật là ông Ngô Vi Hải Long; hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính, cụ thể là dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng.

VNG cho biết BigV không thuộc trường hợp không được mua cổ phần của VNG; là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng quy định; không phải công ty con của Vinagame, và cũng không cùng thuộc một công ty mẹ với VNG.

VNG thua lỗ nhiều quý liên tiếp

Trước khi rục rịch lên UPCoM, VNG đã kinh doanh thua lỗ nhiều quý liên tiếp. Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2022 của VNG đạt 2.100 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 943 tỷ đồng, giảm 7%.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính giảm một nửa so với cùng kỳ, còn 23 tỷ đồng. Ngoại trừ chi phí tài chính được tiết giảm đáng kể (còn 695 triệu đồng so với còn số 7,4 tỷ đồng cùng kỳ), các chi phí khác của VNG đều tăng mạnh, như: chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30% lên 380 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 13% lên 715 tỷ đồng.

VNG (Vinagame) được cấp mã chứng khoán, chuẩn bị giao dịch trên thị trường UpCOM

Đáng chú ý, khoản lỗ trong công ty liên kết quý này đã tăng lên 28 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 10 tỷ đồng. Kết quả, VNG báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 157 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 120 tỷ đồng.

Trong quý phát sinh thêm 29 tỷ đồng chi phí khác cùng 26 tỷ đồng lỗ khác, khiến công ty chịu lỗ trước thuế 184 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 99 tỷ đồng). Khấu trừ thuế, VNG lỗ sau thuế 254,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 32 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 4 lỗ liên tiếp của công ty kể từ quý IV/2021. Luỹ kế 9 tháng năm 2022, VNG đã lỗ sau thuế tới 764 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 196,5 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419 tỷ đồng.

Được biết, VNG đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng 2022, "kỳ lân" này đã hoàn thành 56,6% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế tiệm cận kế hoạch dự kiến.

Có thể lý giải kết quả kinh doanh sa sút của VNG một phần là do việc kinh doanh kém hiệu quả từ các công ty liên kết. Phần lỗ từ các công ty liên kết này đã nâng lên 82,5 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2022, cùng kỳ lỗ 19 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9/2022, VNG đang đầu tư 1.273 tỷ đồng vào các công ty liên kết. Trong đó, đầu tư vào Tiki Global - đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki là 510 tỷ đồng và lỗ toàn bộ khoản đầu tư này. Bên cạnh đó, VNG còn lỗ lũy kế 46 tỷ đồng tại Telio (thương mại điện tử), lỗ 21 tỷ đồng tại Funding Asia (quỹ đầu tư) và lỗ 19 tỷ đồng tại Ecotruck (logistics)...

Tính đến cuối quý III/2022, VNG ghi nhận đầu tư vào Zion (đơn vị vận hành ví điện tử Zalo Pay) hơn 2.561,5 tỷ đồng, tăng 680,4 tỷ đồng so với cuối năm 2021. VNG đang nắm giữ 65,48% cổ phần của Zion.

Một điểm đáng chú ý khác là dư nợ vay của VNG đã tăng mạnh 2,5 lần so với đầu năm lên 434 tỷ đồng, đều là khoản vay tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

VNG tiền thân là Công ty Vinagame, là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ. Năm 2005 đánh dấu thành công đầu tiên của VNG bằng việc ký kết với Kingsoft để mang game "Võ Lâm Truyền Kỳ" về Việt Nam. Tựa game này đã đưa VNG vào đứng trong hàng các nhà phát triển game lớn tại Việt Nam.

Ngoài phát triển game online mới, VNG còn tích cực phát triển các ứng dụng như hệ thống dịch vụ trực tuyến Zing (bao gồm Zing MP3, ZingMe, Zing Chat, Zingnews), ứng dụng nhắn tin và gọi điện trên nền tảng di động Zalo, ví điện tử ZaloPay, trợ lý ảo của Zalo mang tên Ki – Ki. Ngoài ra, VNG còn góp vốn đầu tư vào các công ty start – up công nghệ như Tiki, Telio, Ecotruck, Rocketeer,…

Năm 2014 có lẽ là một cột mốc đáng nhớ của VNG khi sau đúng 10 năm hoạt động, công ty chính thức được định giá 1 tỷ USD theo World Start – up Report, trở thành "kỳ lân công nghệ" đầu tiên tại Việt Nam.

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có tổng cộng 4 “kỳ lân” công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD gồm: VNG, Sky Mavis, VNLife và M_Service. Trong đó VNG và Sky Mavis là những cái tên nổi bật trong mảng game trực tuyến. Còn VNLife và M_Service đang là những đơn vị dẫn đầu về cổng thanh toán cùng ví điện tử với các sản phẩm VNPAY và Momo.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán