VNDirect: Ước tính tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank đạt 11% trong đợt điều chỉnh tháng 9

(Banker.vn) Chứng khoán VNDirect (VND) vừa đưa ra báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ước tính ngân hàng đạt khoảng 11% tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tín dụng toàn ngành tháng 9 vừa qua.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

Theo báo cáo cập nhật LienVietPostBank, Chứng khoán VNDirect ước tính ngân hàng đạt khoảng 11% tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tín dụng vừa qua và khoảng 12 - 13% trong năm 2023.

Nguyên nhân là do ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) thấp (9%) và tỷ lệ dư nợ tín dụng (LDR) cao (84%) vào cuối quý II/2022. Vì vậy các chuyên gia hạ tăng trưởng cho vay từ 18%/17% xuống 11,5%/12,5% giai đoạn này.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngân hàng sẽ khó duy trì được chi phí vốn thấp như giai đoạn 6 tháng đầu năm, do đó VNDS dự báo tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) về mức 3,5%/3,4% giai đoạn 2022-2023. Do đó, thu nhập từ lãi (NII) tăng 12,7%/10% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2023.

Về thu nhập ngoài lãi, các chuyên gia nâng thu nhập ngoài lãi lên 1.889 tỷ đồng năm 2022 nhằm phản ánh khoản thu nhập bất thường từ hoạt động chứng khoán, nợ xấu và thu nhập từ phí cao hơn kỳ vọng trong quý II/2022.

Trong nửa sau của năm, mặc dù ngân hàng không còn khoản thu nhập bất thường nữa, nhưng VNDirect cho rằng các sản phẩm về thẻ, bảo hiểm...vẫn sẽ tăng trưởng nhờ các chiến dịch quảng cáo và chính sách mới. Do đó VNDirect dự báo thu nhập ngoài lãi tăng 35% so với cùng kỳ nếu không có khoản thu nhập bất thường trong năm 2022.

VNDirect giảm CIR về 45%/46% từ mức 50% dự báo cũ nhằm phản ánh CIR thấp hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm (35%) giai đoạn 2022-2023. Các chuyên gia dự báo ngân hàng vẫn tiếp tục đầu tư vào công nghệ trong thời gian này, do đó nâng CIR cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022.

Cũng theo báo cáo, VNDirect nâng chi phí dự phòng nhằm phản ánh việc chi phí dự phòng cao hơn kỳ vọng trong 6 tháng 2022. Các chuyên gia ước tính chi phí tín dụng là 0,6% giai đoạn 2022-2023, thấp hơn mức 0,69% năm 2021 khi bán lẻ và SME phục hồi sẽ giúp LPB giảm chi phí tín dụng hơn so với năm 2021.

Do đó chi phí dự phòng tăng 94,9% và 61,1% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2023. Kết quả, lợi nhuận ròng tăng 35,9%/14,9% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2023.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán