VN30 sẽ được định giá lại

(Banker.vn) Diễn biến giá giảm rồi lình xình kéo dài của nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 khiến nhà đầu tư nản chí, nhưng đang kỳ vọng năm 2022 có thể VN30 sẽ hấp dẫn trở lại.

Rổ VN30 kém sắc

“Hơn nửa năm nay, các cổ phiếu trong nhóm VN30 mà tôi nắm giữ đều đang bị lỗ. Cầm cự lâu nên bắt đầu nản rồi, nhìn danh mục lúc nào cũng đỏ, tâm lý rất ức chế”, nhà đầu tư Hoàng Điệp (Hà Nội) nói.

Hiện danh mục của anh Điệp chủ yếu là các mã VHM, TCB, VIC, với mức lỗ lần lượt 9%, 13%, 18%.

Theo anh Điệp, anh sẽ không cắt lỗ các cổ phiếu trên ngay, mà đợi đến khi giá hồi lại sát với mức giá mua rồi mới thoát hàng để giảm thiệt hại, sau đó chuyển sang các mã khác.

“Nhiều mã trong VN30 rất “nặng vía”, có vẻ như bị dùng để đạp chỉ số, nên đầu tư không hiệu quả”, anh Điệp nhận xét.

Không ít nhà đầu tư khác dần trở nên thất vọng với nhóm cổ phiếu VN30 khi hiệu suất sinh lời thấp, có dấu hiệu suy yếu.

Chẳng hạn, nhà đầu tư Minh Long cho biết, mục tiêu tăng trưởng 15%/năm cho một số cổ phiếu trong nhóm VN30 giờ đây rất khó đạt được. Do vậy, dù là nhà đầu tư theo giá trị, nhưng anh cũng đang tính dần đến việc chuyển hướng, giảm tỷ trọng cổ phiếu nhóm này trong thời gian tới.

Thể hiện một quan điểm khác, nhà đầu tư Tuấn Anh cho hay, năm qua, anh thành công khi lướt sóng các cổ phiếu nhỏ, nhưng thị trường gần đây đang cho thấy khó khăn ngày một lớn. Với diễn biến như vậy, anh Tuấn Anh tin rằng, các cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu vốn hóa lớn là một lựa chọn đầu tư an toàn hơn.

“Mình đã dành một tỷ lệ nhất định cho các cổ phiếu trong nhóm VN30, bởi đây là các mã có sức đề kháng mạnh hơn trong bối cảnh thị trường đang chịu áp lực bởi diễn biến điều chỉnh trên thị trường chứng khoán thế giới do lạm phát, cuộc chiến Nga - Ukraine...”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, từ đầu năm 2022 đến nay, dòng tiền có thể chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 - tháng 1/2022, nhà đầu tư có tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và thông tin thiếu tích cực đến từ nhóm bất động sản, khiến dòng tiền dần chảy ra khỏi các cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu tăng nóng, đồng thời dịch dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu lớn và các nhóm ngành có tính tích lũy. Theo đó, một số nhóm cổ phiếu tăng giá như ngân hàng, điện nước, xăng dầu…

Giai đoạn 2 - tháng 2/2022, nhà đầu tư có tâm lý thận trọng trước các thông tin, biến số vĩ mô trong nước cũng như trên thế giới. Điều này có thể thấy rõ qua số liệu thanh khoản thị trường. Cụ thể, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên là 23.206 tỷ đồng và 705,9 triệu cổ phiếu, giảm lần lượt 15,8% và 19,3% so với tháng 1.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, dòng tiền đã có tín hiệu quay trở lại thị trường vào những ngày cuối tháng 2, tập trung vào nhóm dầu khí, nguyên vật liệu, bán lẻ…, nhờ một số thông tin tích cực từ các chính sách của Chính phủ và diễn biến khả quan của ngành trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư trên tài khoản ở các công ty chứng khoán vẫn rất lớn, cho thấy nhà đầu tư đang chờ đợi các cơ hội để giải ngân.

Dòng tiền hiện nay thông minh và nhạy bén hơn trước, nên có thể kỳ vọng thị trường sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Riêng nhóm VN30, xét về tương quan vận động giá, năm 2021 là năm tương đối thất vọng khi nhóm này chỉ tăng 43,4% so với mức tăng 76,4% của cổ phiếu vốn hóa trung bình và mức tăng 101,9% của cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Một trong những nguyên nhân là tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 ở mức 30,1%, thấp so với mức tăng 42,6% của cả thị trường. Đáng lưu ý, dòng tiền đầu tư có sự khác biệt rất lớn trong năm 2021 so với nhiều năm trước.

Trước đây, những mã trong VN30 được đánh giá là cổ phiếu chất lượng cao, có tính đại diện cho thị trường và là đối tượng được cân nhắc mua đầu tiên của khối nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 2,5 tỷ USD, khiến nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 có hiệu quả đầu tư kém.

Ở chiều ngược lại, dòng tiền nhà đầu tư trong nước bùng nổ cùng với xu hướng mở mới tài khoản lại tập trung vào những cổ phiếu có tính thị trường, biến động giá mạnh. Với sự áp đảo của dòng tiền nội tại các nhóm cổ phiếu khác, nhóm VN30 trở nên kém hấp dẫn sau nhiều năm duy trì hiệu quả vượt trội so với các dòng cổ phiếu khác.

VN30 có thể lấy lại vị thế

Ông Khoa nhìn nhận, bước sang năm 2022, trật tự các năm trước đây có dấu hiệu quay trở lại, theo đó, cổ phiếu VN30 đóng vai trò trụ cột và dẫn dắt diễn biến thị trường.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, VN30 chỉ giảm 1% so với mức giảm 3,2% và 2,5% của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Trong 2 tháng đầu năm, VN30 chỉ giảm 1% so với mức giảm 3,2% và 2,5% của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường đi ngang trong biên độ lớn, với thanh khoản giảm do ảnh hưởng từ các yếu tố quốc tế.

Nhà đầu tư trong nước giao dịch thận trọng hơn, trong khi khối ngoại giảm bớt lượng bán ròng và có không ít phiên quay sang mua ròng.

Vẫn còn sớm để đưa ra kết luận về sự chuyển hướng dòng tiền trong năm 2022, tuy nhiên, trong bối cảnh các yếu tố bình thường hóa, dòng tiền phân tán từ khối nhà đầu tư nội, trong khi dòng vốn ngoại đang quay lại, thì dòng tiền có khả năng tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt để hạn chế rủi ro.

“Nhóm cổ phiếu VN30 sẽ dần lấy lại vị thế nền tảng và dẫn dắt thị trường như các năm trước đây”, ông Khoa nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock cho hay, nhóm cổ phiếu VN30 sau đợt tăng mạnh ở nửa đầu năm 2021 thì trong 6 tháng cuối năm đa phần đều chịu áp lực bán và đi ngang trong thời gian dài. Tuy nhiên, đặc điểm của cổ phiếu nhóm này là khó giảm sâu và khi tích luỹ đủ lâu sẽ thu hút được dòng tiền. Hiện tại, đa phần các mã trong VN30, đặc biệt là mã ngân hàng đã trở lại mức định giá hấp dẫn.

Về xu hướng đầu tư, thị trường sau 2 tháng đầu năm 2022 có diễn biến giằng co, khó đoán định, nhà đầu tư dần chuyển hướng từ đầu cơ, lướt sóng sang mua đầu tư tích trữ. Áp lực về vòng quay T+ không còn nhiều nên thanh khoản trung bình không cao so với giai đoạn trước, ngoại trừ những phiên có áp lực bán mạnh thì thanh khoản cao hơn, do nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi các phiên giảm điểm xuất hiện để tham gia.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang giữ tâm lý quan sát khi thế giới gia tăng bất ổn về địa chính trị và chính sách thắt chặt tiền tệ dần được các nước lớn thực hiện.

Tại Việt Nam, thời kỳ tiền rẻ cũng dần trôi qua khi lãi suất ngân hàng rục rịch tăng. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường chứng khoán có diễn biến “căng thẳng”. Hai năm thời kỳ tiền rẻ vừa qua là 2 năm bùng nổ của kênh đầu tư chứng khoán, nên đa phần các cổ phiếu đều đã tăng giá mạnh, gần đây giảm dần sức hút.

“Năm 2022 sẽ là năm tái định giá các doanh nghiệp tốt. Các cổ phiếu năm nay đòi hỏi nhà đầu tư cần có kỹ năng để lựa chọn mới có được góc nhìn xa hơn để đầu tư, kể cả với nhóm VN30”, ông Chương nói.

Thành Nguyễn/ĐTCK

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán