VN-Index thêm một lần thất bại khi chinh phục mốc 1.200 điểm

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới tràn đầy hy vọng có thể bứt phá mạnh mẽ sau khi chạm mức 1.200 điểm vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, áp lực bán khiến hàng loạt cổ phiếu giảm điểm, VN-Index chỉ còn 1.163 điểm khi đóng cửa cuối tuần này.

Phiên giao dịch đầu tiên của tuần ngày 22/3 một lần nữa chứng tỏ ngưỡng 1.200 điểm là ngưỡng kháng cự mạnh. Ngay sau khi tiếp cận vùng giá này, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index về dưới mốc tham chiếu. Trong phiên, VN-Index đã có lúc thủng mốc 1.190 điểm, nhờ lực cầu bắt đáy, thị trường có nhịp hồi phục, đóng cửa ở mức 1.194 điểm.

Thị trường tiếp tục giằng co trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng đến ngày 24/3, VN-Index giảm điểm sốc. Phiên giao dịch sáng 24/3, thị trường mất tới hơn 30 điểm, về ngưỡng 1.155 điểm,  lực bán mạnh đã đẩy hàng trăm mã giảm giá mạnh. Trong nhóm VN30 chỉ còn duy nhất PNJ có mức tăng nhẹ 0,1%, còn lại đều giảm. Nhờ phiên chiều, thị trường hồi phục, đóng cửa ở mức 1.161 điểm với 75 mã tăng, trong khi có tới 408 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 750,5 triệu đơn vị, giá trị 17.649,8 tỷ đồng, tăng 9,8% về khối lượng và tăng 14,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 100,7 triệu đơn vị, giá trị 2.822 tỷ đồng.

Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, thị trường vẫn tiếp tục đỏ lửa dù chỉ số VN-Index không còn giảm sâu, lực cầu bắt đáy phần nào nâng đỡ thị trường, chốt phiên ngày 26/3, VN-Index đóng cửa ở mức 1.162 điểm, với 122 mã tăng trong khi có 339 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 670,5 triệu đơn vị, giá trị 15.614,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% về khối lượng và 10,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 40 triệu đơn vị, giá trị 1.420 tỷ đồng.

Tâm điểm của tuần qua vẫn là chuyện bảng điện tử. Tình trạng các mã chứng khoán nhảy loạn giá trên bảng điện tử, nghẽn lệnh, bảng đơn vẫn tiếp tục trong các phiên giao dịch. Một thông tin được nhà đầu tư quan tâm là nội dung cuộc phỏng vấn ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh trên truyền hình. Theo đó, ông Lê Hải Trà cho biết, theo tính toán, nếu tất cả đều áp dụng lô 1.000 sẽ giảm được khoảng 40 - 50% số lượng lệnh. Giả sử dùng mốc 30.000 đồng/cổ phiếu để ngăn cách và áp dụng lô 1.000 cho cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu thì HOSE sẽ giảm được cỡ khoảng hơn 20% số lượng lệnh. Ông Lê Hải Trà cho rằng trong khoảng 100 ngày tới sẽ hoàn thành và đưa vào hệ thống dự phòng để giải quyết tình trạng quá tải của HOSE…

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: