VN-Index đối mặt với 2 kịch bản, nhà đầu tư nên duy trì cân bằng "tiền - hàng"

(Banker.vn) Trong bối cảnh TTCK đang đứng trước những ẩn số còn rất lớn, việc duy trì sự cân bằng trong trạng thái danh mục giữa tiền - hàng vẫn vẫn được ưu tiên lên hàng đầu và cũng khá nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm lựa chọn trong quá trình giao dịch.

Theo một công ty chứng khoán, tới đây, VN-Index đang đối mặt với 2 kịch bản. Đó là tích lũy tích cực trong vùng 1.270-1.280 điểm – tạo động lực hướng đến vùng 1.310-1.330 điểm. Chiều ngược lại, sau nhịp tăng điểm ấn tượng trong tháng 8, tâm lý chốt lời và tiêu cực quay trở lại có thể làm lu mờ những phiên tích cực trước đó.

Tuy nhiên, thị trường đã trải qua chu kỳ tăng (sóng hồi) và đang chạm kháng cự vùng 1.300 điểm. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều đang trong xu hướng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán (TTCK). Và thị trường đang rơi vào vùng trũng thông tin.

VN-Index đối mặt với 2 kịch bản, nhà đầu tư nên duy trì cân bằng

Không chỉ vậy, khối ngoại đang có xu hướng rút ròng trở lại với 5 phiên liên tiếp bán ròng - yếu tố làm ảnh hưởng tới tính ổn định của thị trường và tác động mạnh tới yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trong nước.

“Hiện tại là lúc nhà đầu tư cần thận trọng và chờ đợi cơ hội rõ ràng”, ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, Chứng khoán MB (MBS) lưu ý.

Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia phân tích khuyến nghị, nhà đầu tư tạm thời không nên mua mới bởi rủi ro tương đối cao. Hiện vùng mua khá rủi ro 50/50, nhà đầu tư tốt nhất nên đứng ngoài và quan sát, ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu về vùng cân bằng, ai dùng margin nên đưa về mức thấp.

Thay vào đó, nên cơ cấu đưa tỷ trọng về cân bằng hơn, đặc biệt nắm giữ cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt trong quý II, gồm một số cổ phiếu ở các nhóm ngành dẫn đầu có thể vẫn duy trì đà tăng, hút dòng tiền mạnh bất kể thị trường có áp lực điều chỉnh mạnh đến đâu gồm khí đốt, bán lẻ, hóa chất, sản xuất thực phẩm…

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đợi đến khi có 2 kịch bản cân nhắc giải ngân trở lại. Thứ nhất, có thể đợi khả năng chỉ số vượt 1.285 điểm, rủi ro khi đó giảm đi. Thứ hai, đợi nhịp điều chỉnh sâu thêm của thị trường để mua vào các nhóm đang có cơ hội đầu tư hấp dẫn khi cổ phiếu giảm 10-20%, ở các nhóm cổ phiếu xuất khẩu (do tỷ giá hiện tại đang leo thang vượt quá 24.000 VND/USD), ngành chứng khoán (do đã triển khai T+2), ngành dầu khí (giá dầu hiện tại vẫn đang neo ở mức cao 90 USD), nhóm cổ phiếu có vùng nền quý 3/2021 thấp do giãn cách COVID-19 (năm nay kết quả kinh doanh quý III tăng gấp nhiều lần), sau đó đợi 1 – 2 tuần bán ra chốt lời.

Nhìn chung, trong bối cảnh TTCK đang đứng trước những ẩn số còn rất lớn, việc duy trì sự cân bằng trong trạng thái danh mục giữa tiền - hàng vẫn vẫn được ưu tiên lên hàng đầu và cũng khá nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm lựa chọn trong quá trình giao dịch. Do đó, việc phân bổ tài sản, phân bổ danh mục đầu tư trong quá trình tham gia đầu tư trên TTCK là điều rất quan trọng.

Chẳng hạn, trong một số trường hợp, thị trường tiềm ẩn rủi ro – giá cổ phiếu tăng quá mức, thị trường có khả năng điều chỉnh mạnh thì việc quản lý tiền, giữ ít cổ phiếu cơ sở là điều cần thiết.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán