VN-Index có thể hình thành đáy trong thời gian này và hồi phục trở lại

(Banker.vn) Hiện tại, P/E của Việt Nam cũng đang ở trong vùng định giá ở ngoài vùng -2std 5 năm, khả năng VN-Index có thể hình thành đáy trong thời gian này và hồi phục trở lại là có thể xảy ra.

Chỉ số VN-Index chứng kiến phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp khi khép lại phiên giao dịch cuối tháng 11 với nhịp tăng 16,26, tương đương 1,58% và đóng cửa ở mốc 1.048,42 điểm. Độ rộng thị trường tiếp tục nghiêng về bên mua khi số mã tăng lên tới 350 cổ phiếu, bao gồm 36 mã tăng trần, gấp hơn 3,3 lần số mã giảm.

VN-Index có thể hình thành đáy trong thời gian này và hồi phục trở lại

Xu hướng tăng điểm diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành. Các bluechip gồm VHM, HPG, MSN, NVL, SAB, MWG, … và nhóm cổ phiếu ngân hàng (VCB, VPB, VIB, TCB,…) là những lực đỡ quan trọng nhất đưa thị trường tiến sát mốc 1.050 điểm. Trong khi đó, GAS, CTG, VNM, … là các tác nhân chính phần nào cản lại đà tăng điểm của VN-Index.

Trong phiên, Top thanh khoản thuộc về HPX, HPG, VND, SSI, STB, SHB, VPB, NVL. Trong đó, HPX có khối lượng giao dịch lên đến hơn 165 triệu đơn vị.

Theo Chứng khoán MB, thị trường trong nước hoàn tất phiên “giải cứu” cuối cùng ở cổ phiếu HPX, trước đó là bộ đôi PDR và NVL. Theo nhận định của giới chuyên gia, nhóm cổ phiếu bất động sản là tín hiệu quan trọng để xác định tín hiệu của thị trường, chừng nào nhóm cổ phiếu này có lực cầu "quét” hết lượng bán giá sàn thì thị trường mới có cơ hội để hồi phục.

Thực tế cho thấy, nhóm bất động sản sau thời gian bị bán kỹ thuật ở nhiều cổ phiếu lại đang là nhóm gây ấn tượng và lấn át các nhóm khác với mức hồi phục mạnh và nhiều cổ phiều đóng cửa ở mức giá trần hàng triệu cổ phiếu.

Nhờ sắc xanh đồng thuận, VN-Index nối dài mạch tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp, đánh chuỗi hồi phục dài nhất trong 6 tháng qua. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao nhờ hoạt động giải ngân từ khối ngoại. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 1,14 tỷ đơn vị, tương ứng hơn 17.760 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra một số chỉ tiêu nhận diện quá trình hình thành đáy của VN-Index trong thị trường giá giảm, trong đó có dấu hiệu của định giá P/E. Từ việc quan sát diễn biến P/E một số thị trường khi tạo đáy, BSC có sự liên hệ với chứng khoán Việt Nam.

Theo thống kê của nhóm phân tích, sau đợt giảm sâu, các thị trường chứng khoán thường có xu hướng hồi phục ngay sau đó. Đằng trước những đà tăng mạnh, chỉ số P/E của các thị trường chứng khoán đều ít nhất nằm dưới mức P/E bình quân 5 năm.

VN-Index có thể hình thành đáy trong thời gian này và hồi phục trở lại
Nguồn: Tổng hợp, BSC Research

Thậm chí trước một số đoạn hồi phục lớn của Thái Lan (giai đoạn 7), Thổ Nhĩ Kỳ (giai đoạn 5), Nga (giai đoạn 2), Và Việt Nam (giai đoạn 4), P/E của thị trường chứng khoán các nước này nằm ở trong vùng định giá ngoài vùng - 2std mức P/E bình quân 5 năm, nghĩa là P/E đã giảm xuống rất sâu và khả năng P/E có thể giảm thấp hơn nữa là rất nhỏ.

Khi P/E rơi xuống ngoài vùng -2std P/E bình quân 5 năm thì thường bật lên rất nhanh, chỉ số chứng khoán của các nước cũng đảo chiều tăng mạnh. Hiện tại, P/E của Việt Nam cũng đang ở trong vùng định giá ở ngoài vùng -2std 5 năm, khả năng VN-Index có thể hình thành đáy trong thời gian này và hồi phục trở lại là có thể xảy ra.

Tuy nhiên thị trường hiện tại vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro vì xu hướng thắt chặt tiền tệ vẫn còn tiếp diễn, lãi suất điều hành đã được điều chỉnh từ 4% lên 6% trong năm 2022. Tâm lý thị trường cũng tiêu cực do những sự kiện vi phạm pháp luật liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản.

Mặt khác, triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu không tích cực khi vẫn đang trong cuộc chiến chống lạm phát. Chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương trên thế giới năm 2022 đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm sau.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục