VN-Index cần vượt qua ngưỡng 1.080 điểm để chứng minh được sức mạnh dòng tiền

(Banker.vn) Dù VN-Index có chuỗi tăng điểm tốt nhưng biên độ tăng không quá cao. Thanh khoản chỉ tốt trong một chu kỳ quá nhỏ, nếu so với thời hoàng kim không đáng là bao... Về hành động của nhà đầu tư, chuyên gia Maybank khuyên nhà đầu tư không nên vội vàng. Với những nhà đầu tư muốn giải ngân, họ có thể chờ đợi phiên giảm chứ không nhất thiết "mua đuổi" ngay kháng cự...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4, sàn HOSE có 325 mã tăng và 84 mã giảm, VN-Index tăng 14,64 điểm (+1,38%), lên 1.079,28 điểm. Dòng tiền dồn dập đổ vào thị trường kéo thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tăng vọt 24% so với phiên trước đó, đạt 12.983 tỷ đồng. Dù con số này chẳng thấm vào đâu so với giai đoạn bùng nổ trước đó, song cũng là mức thanh khoản khớp lệnh cao thứ hai kể từ đầu năm đến nay.

Nhóm VN30 chỉ có 4 mã mất điểm là VJC giảm 2,4%, SAB giảm 2%, MSN giảm 1,3% và BID giảm 0,6%; cùng POW và VNM đứng giá tham chiếu, còn lại đều khởi sắc với mức tăng phần lớn hơn 1%. Trong đó, dù "ông lớn" nhóm bất động sản VIC có chút hạ độ cao nhưng kết phiên vẫn hỗ trợ khá tích cực cho thị trường khi tăng 5,5% lên 58.000 đồng/CP.

Nhìn nhận xu hướng hiện tại của thị trường, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank không phủ nhận thị trường có chuỗi tăng điểm tốt, nhưng biên độ tăng không quá cao. Thanh khoản tốt chỉ là tốt trong một chu kỳ quá nhỏ, nếu so với thời hoàng kim không đáng là bao. Nhà đầu tư không quá tiêu cực, nhưng cần có sự tỉnh táo.

VN-Index cần vượt qua ngưỡng 1.080 điểm để chứng minh được sức mạnh dòng tiền
Nhiều nhà đầu tư giờ nghi ngờ 10 phiên tăng sẽ có 1 phiên giảm, tâm lý người mua sẽ bị chùn tay, còn người bán thì sẵn sàng đặt lệnh khi có tín hiệu tiêu cực

Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán, VN-Index chưa từng vượt khỏi biên độ 1.020 – 1.100 điểm, có nhiều lần rơi xuống 1.020 nhưng không xuyên qua, song mỗi lần vượt cản 1.080 đều thất bại. Chuyên gia cho rằng thị trường đang bị kẹp giữa biên độ này.

Việc tăng điểm liên tiếp đã khiến thị trường chạm kháng cự quan trọng 1.080 điểm, VN-Index phải vượt qua ngưỡng này để chứng minh được sức mạnh của dòng tiền. Nếu không, xu hướng đi ngang vẫn là chủ yếu.

Đặc biệt, sau chuỗi tăng điểm dài, những phiên tiếp theo sẽ là thử thách cho thị trường. Nhiều nhà đầu tư giờ nghi ngờ 10 phiên tăng sẽ có 1 phiên giảm, tâm lý người mua sẽ bị chùn tay, còn người bán thì sẵn sàng đặt lệnh khi có tín hiệu tiêu cực.

Bên cạnh tín hiệu hạ lãi suất, chuyên gia cho rằng nền kinh tế suy yếu đang là mối quan tâm hiện nay. Hạ lãi suất rõ ràng là tin tốt, nhưng điều này cũng có thể là sự đồng thuận ngầm rằng kinh tế đang chững lại nên cần kích cầu. Kinh tế chậm lại có thể tác động đến thị trường chứng khoán.

"Tin tốt xấu đan xen khiến thị trường không quá xấu, nhưng để kỳ vọng thị trường tăng trưởng mạnh thì rất khó. Xác suất vượt 1.100 vẫn có, nhưng tăng vù vù lên 1.200 – 1.300 điểm trong ngắn hạn gần như là không thể", ông Phan Dũng Khánh nêu quan điểm.

Nhà đầu tư chưa nên bung sức?

Về hành động của nhà đầu tư, chuyên gia Maybank khuyên nhà đầu tư không nên vội vàng. Với những nhà đầu tư muốn giải ngân có thể chờ đợi phiên giảm chứ không nhất thiết "mua đuổi" ngay kháng cự mà nên chờ đợi thị trường “lấy đà” để vượt lên.

"Những nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ tăng vài phiên là hào hứng, nhưng nhà đầu tư lớn tầm nhìn của họ rất dài. Tuỳ từng trường phái nhưng nếu nhà đầu tư muốn lướt sóng thì phải chịu được cảm giác "say sóng", chuyên gia khuyến nghị.

Đồng quan điểm, chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam cho rằng thị trường đã xác lập xu hướng tăng trong ngắn hạn. Dù trong quãng đi lên vẫn sẽ có những phiên điều chỉnh đan xen để tạo đà, song xu hướng hồi phục có thể tiếp diễn trong ngắn hạn.

“VN-Index vào trạng thái cân bằng, còn để thị trường bứt phá mạnh lên mức 1.200 - 1.300 điểm trong ngắn hạn thì không phải dễ”, ông Lê Ngọc Nam nhận định.

Trái ngược với nhiều quan điểm cho rằng VN-Index có thể thủng đáy cũ trước những rủi ro khủng hoảng thế giới, vị chuyên gia này cho rằng tính đến thời điểm hiện tại kịch bản này không quá cao. Thị trường chứng khoán của Mỹ hay một số nước Châu Âu vẫn tương đối ổn định.

Rủi ro nhất đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng rơi vào cuối năm ngoái khi hàng loạt vấn đề liên quan đến sự xoay chiều của lãi suất, áp lực tỷ giá leo thang, sự xáo trộn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng thiếu thanh khoản.

Đến thời điểm hiện tại, vĩ mô Việt Nam đã ổn định hơn nhiều. Đơn cử như xuất khẩu Việt Nam vẫn thặng dư 4 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, tỷ giá cũng ổn định về mức thấp của năm 2022, thanh khoản ngân hàng cũng cải thiện đáng kể. Do đó, trên quan điểm riêng, ông Lê Ngọc Nam cho rằng xác xuất thị trường “thủng” đáy cũ không quá cao.

Hiện tại, rủi ro thị trường đang nhìn nhận liên quan đến sức cầu của nền kinh tế chuyển biến như thế nào trong giai đoạn tới và phản ánh vào kết quả kinh doanh như thế nào. Tuy nhiên, thị tường chứng khoán luôn đi trước vĩ mô khoảng 6 tháng và những tín hiệu tốt này đang được phản ánh vào đà hồi phục của thị trường hiện tại.

Về chiến lược đầu tư, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên phân bổ nguồn vốn phù hợp. Đây vẫn chưa phải giai đoạn để nhà đầu tư bung sức, FOMO "mua đuổi" mà chỉ nên phân bổ tỷ trọng cổ phiếu cân bằng khoảng 30%. Nhà đầu tư dài hạn thì cần phân bổ vốn kỹ hơn, có thể giải ngân từng phần tuỳ theo từng bối cảnh thị trường.

Chứng khoán phiên sáng 4/4: Tạm dừng đà tăng

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch sáng ngày 4/4 chứng kiến các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn đảo chiều giảm nhẹ, VN-Index cũng ...

Giá thép hôm nay 4/4/2023: Lao dốc trên sàn giao dịch Thượng Hải

Ghi nhận vào lúc 12h20 ngày 4/4 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 10/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm ...

Thị trường chứng khoán ngày 4/4/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán