VKFTA- Rộng đường cho nông thủy sản Việt

(Banker.vn) Dệt may, gỗ, thủy sản, rau củ quả, trái cây… là những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA).

Thị trường Hàn Quốc chuộng quả thanh long của VN.

Hiện nhu cầu nhập khẩu các nhóm hàng này của Hàn Quốc rất cao, Việt Nam mới xuất khẩu một lượng rất ít vào Hàn Quốc, nếu tận dụng tốt cơ hội từ VKFTA, Việt Nam sẽ khai thác được thị trường rất nhiều tiềm năng này. Đây cũng là thông tin được các Bộ ngành, DN đưa ra tại hội thảo về triển khai nội dung VKFTA tổ chức tại TP.HCM ngày 22/5.

Hiện nay Hàn Quốc mới chỉ có FTA với hai nước trong ASEAN là Singapore và Việt Nam, vì vậy FTA này đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực. Cụ thể, với nhóm hàng hoa quả tươi, chế biến, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan có lộ trình đối với mặt hàng này (thuế suất 30 - 50%). Hơn thế nữa, trung bình hàng năm Hàn Quốc nhập từ các nước trên thế giới gần 2,2 tỉ USD các loại rau củ tươi, do vậy nhu cầu từ thị trường này rất lớn. Hay như mặt hàng dệt may, hiện thuế suất trung bình của hàng dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc là 13%, một số mặt hàng 10%, khi hiệp định có hiệu lực thuế suất nhóm hàng này lập tức về 0%.

Đánh giá về cơ hội này, ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á- Bộ Công Thương cho biết, VKFTA sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khi Hàn Quốc tự do hóa hơn 97% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản và tiêu dùng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Chính nhờ hàng nghìn dòng thuế được xóa bỏ trong VKFTA mà hàng Việt sẽ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… tại thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay như dệt may, giày, dép, điện tử… Điều này sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định này, các nhà xuất khẩu của Việt Nam cần theo dõi sát sao các thông tin và có thể hợp tác, chia sẻ với các công ty của Hàn Quốc để tiến tới xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện nhiều DN Hàn Quốc đã và đang đầu tư vào Việt Nam, trong đó một số lĩnh vực đã được bao gồm trong các kế hoạch và danh sách của Hiệp định Thương mại tự do này.

Tuy nhiên, ông Tuyên cũng lưu ý, bên cạnh những cơ hội, DN Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức khi tham gia Hiệp định này như phải nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì, giá cả, thời gian giao hàng, cũng như cách tiếp cận thị trường đưa vào các kênh phân phối lớn của Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, để giúp DN nắm rõ lộ trình, các nội dung cụ thể trong VKFTA, bà Đào Thu Hương- Trưởng Phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang trong quá trình soạn thảo thông tư ban hành biểu thuế xuất khẩu và nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện cam kết VKFTA. Dự kiến thông tư sẽ được ban hành vào tháng 11/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Về cơ bản biểu thuế này sẽ bám sát những nội dung hai nước đã cam kết trong FTA.

DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về mặt thuế quan, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, dệt may, da giầy… Việc thực thi Hiệp định này là cơ sở để thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.

Ngọc Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục