Visa: Người tiêu dùng APAC quan tâm đến thử các dịch vụ DeFi

(Banker.vn) Ở châu Á - Thái Bình Dương (APAC), tài chính phi tập trung (DeFi) vẫn còn là một lĩnh vực non trẻ, tuy nhiên việc áp dụng các dịch vụ DeFi giữa người tiêu dùng đang tăng lên nhanh chóng và được thúc đẩy bởi bối cảnh khởi nghiệp blockchain và tiền mã hóa đang phát triển của khu vực.

Một khảo sát năm 2022 do Visa và YouGov thực hiện thăm dò 16.295 người trưởng thành trên 14 thị trường, cho thấy 21% người tiêu dùng APAC đã sử dụng dịch vụ DeFi trước đó, tỷ lệ dự kiến ​​sẽ tăng 17% trong năm nay, với 38% người tiêu dùng bày tỏ sự quan tâm đến việc thử các dịch vụ DeFi trong 6 tháng tới.

Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ nằm trong số những nước quan tâm lớn nhất

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, trong khi việc áp dụng DeFi đang tăng lên trên toàn khu vực APAC, người tiêu dùng ở Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ được cho là cởi mở và háo hức thử nghiệm các dịch vụ DeFi nhất, với 63%, 54% và 50% số người được hỏi ý kiến ​​tại các quốc gia này bày tỏ sự quan tâm đến việc dùng thử DeFi trong 6 tháng tới.

Trong khi đó, Nhật Bản (9%), Singapore (17%) và Úc (17%), đứng ở đầu bên kia của bảng xếp hạng, ghi nhận tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng dùng thử dịch vụ DeFi thấp nhất.

Tổng quan thị trường APAC, Nguồn: DeFi: Biên giới tài chính mới, Visa, 2022

Visa cũng lưu ý, khi sự quan tâm và áp dụng các dịch vụ DeFi ngày càng tăng, lĩnh vực này cũng ngày càng trở nên sinh lợi cho tội phạm và gian lận. Theo công ty quản lý rủi ro tài sản tiền điện tử Elliptic, vào năm 2021, hơn 10,5 tỷ USD đã bị "bốc hơi" từ ​​các nền tảng DeFi do gian lận và trộm cắp, tăng 600% so với một năm trước đó.

Vào tháng 2/2022, Wormhole, một trong những cầu nối phổ biến nhất liên kết chuỗi khối Ethereum và Solana, đã bị tấn công bởi một vụ hack khiến tiền điện tử trị giá hơn 320 triệu USD bị đánh cắp.

Báo cáo này lưu ý, ngoài các rủi ro về bảo mật, việc thiếu các quy định pháp lý trong các dịch vụ DeFi cũng gây ra những lo ngại, đặc biệt là xung quanh các rủi ro về bảo vệ người tiêu dùng và chống rửa tiền (AML).

Trong tương lai, Visa kỳ vọng phong trào DeFi sẽ tạo ra cơ hội mới cho các ngân hàng đương nhiệm và các công ty dịch vụ tài chính truyền thống. Khi các trường hợp sử dụng tiếp tục phát triển và củng cố, sau này các tổ chức tài chính sẽ có thể tích hợp các giải pháp end-to-end.

Ví dụ, các tổ chức tài chính có thể cung cấp tài chính và chứng khoán hóa tài sản cho các khách hàng tổ chức trong các giao thức DeFi. Họ cũng có thể bắt đầu cung cấp các dịch vụ phù hợp với các tổ chức và doanh nhân gốc Web 3.0, như bảo lãnh phát hành bảo hiểm cho các giao thức DeFi hoặc quản lý rủi ro và tuân thủ như một dịch vụ.

Khu vực tiền mã hóa đang bùng nổ tại APAC

Sự gia tăng của DeFi ở châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra trong bối cảnh hệ sinh thái tiền mã hóa đang phát triển mạnh, hoạt động giao dịch tiền mã hóa bùng nổ và định giá khởi nghiệp tăng vọt. Vào năm 2021, các giao dịch tiền mã hóa ở Trung và Nam Á và Châu Đại Dương (CSAO) đã tăng gấp 8 lần so với năm trước, chiếm 14% tổng số giao dịch trên thế giới, theo Chỉ số chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu (GCAI) do Chainalysis thống kê năm 2021, DeFi là danh mục phát triển nhanh nhất, chiếm hơn một nửa tổng số giao dịch tiền mã hóa trong khu vực.

Tổng giá trị tiền mã hóa mà CSAO nhận được theo loại dịch vụ, Nguồn: Chainalysis, 2021

Kết quả rõ nhất là việc "ra đời" ra ít nhất bảy kỳ lân blockchain và tiền mã hóa trên khắp khu vực trong năm qua hoặc lâu hơn như: Amber Group, một công ty khởi nghiệp kinh doanh tiền điện tử có trụ sở tại Hồng Kông; CoinDCX, một sàn giao dịch tiền điện tử từ Ấn Độ; Babel Finance, một nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiền điện tử bán buôn có trụ sở tại Hồng Kông; CoinSwitch Kuber, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất Ấn Độ; Matrixport, một liên doanh tài chính tiền điện tử từ Singapore; Opn, trước đây được gọi là Omise, một công ty khởi nghiệp chuyên về thanh toán trực tuyến và công nghệ blockchain đến từ Thái Lan; và Dunamu, nhà điều hành sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Upbit của Hàn Quốc.

Sự nổi lên của DeFi không chỉ ở APAC mà còn ở các khu vực khác trên thế giới. Từ năm 2019 đến năm 2020, tổng giá trị tài sản kỹ thuật số bị khóa trong các dịch vụ DeFi đã tăng từ dưới 1 tỷ USD lên hơn 15 tỷ USD vào cuối năm 2020. Số tiền đó đã vượt qua 230 tỷ USD vào tháng 4/2022.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ