Vĩnh Phúc: Phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt từ 93% dân số trở lên trong năm 2022

(Banker.vn) Bảo hiểm y tế tỉnh Vĩnh Phúc đang gấp rút hoàn thành tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế từ 93% trong những ngày cuối năm 2022.
Bảo hiểm xã hội trao tặng hơn 5000 Bảo hiểm y tế cho người dân Quảng Bình

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn đưa các chỉ tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan quản lý chặt chẽ các đơn vị ngoài quốc doanh, ngoài công lập thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc; triển khai các biện pháp buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và giảm thiểu tình trạng trốn đóng hoặc thường xuyên để nợ 2 loại bảo hiểm này.

Vĩnh Phúc: Phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt từ 93% dân số trở lên trong năm 2022
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt từ 93% dân số trở lên trong năm 2022.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức ra quân truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội gia đình; triển khai chuyển đổi số, hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án số 06 của Chính phủ. Cùng với đó, đưa vào vận hành, ứng dụng 20 phần mềm nghiệp vụ; thực hiện thủ tục hành chính gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia…

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến 31/10/2022, toàn tỉnh có 5.564 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 227.800 lao động, chiếm 40,5% lực lượng lao động, đạt mục tiêu năm 2022 đề ra; 5.060 đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp với 219.815 lao động, chiếm 36,2% lực lượng lao động và 17.578 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 1.122.925 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 93,9% dân số.

Nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Bưu điện tỉnh tham mưu UBND tỉnh cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác thanh, kiểm tra; đa dạng các hình thức truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong tất cả các lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 01/10/1997 theo Quyết định số 1067/BHXH-QĐ-TCCB ngày 16/9/1997 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trải qua 20 năm với nhiều khó khăn, thách thức, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc vẫn luôn nhận được sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp chặt chẽ của các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể; cùng sự đoàn kết, nhất trí và nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nên Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt chính sách Bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế, từng bước vươn lên khẳng định vị thế ngành tại địa phương.

Những kết quả đạt được trong 20 năm xây dựng và trưởng thành của Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đóng góp không nhỏ và sự nghiệp an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành, từ chỗ mọi hoạt động đều được thực hiện thủ công, phương tiện làm việc lạc hậu đến nay Bảo hiểm xã hội tỉnh đang ứng dụng 16 phần mềm nghiệp vụ và Bộ công cụ, tập trung dữ liệu vào công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục vụ đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân một cách tốt nhất.

Phương Cúc

Theo: Báo Công Thương