Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu tháng 2/2024 tăng 6%, lên 801 tỷ đồng

(Banker.vn) Sau tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu tăng mạnh, Công ty CP Vĩnh Hoàn bắt đầu ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại trong tháng 2/2024.

Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2024 với tổng doanh thu đạt 801 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu sản phẩm, mặt hàng chủ lực từ cá tra đạt 417 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Sản phẩm phụ và bánh phồng lần lượt đạt 148 tỷ đồng và 23 tỷ đồng, tăng 8% và 14%. Sản phẩm từ gạo đạt 16 tỷ đồng, tăng 137%. Ngược lại, sản phẩm Collagen và Gelatin mang về 56 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Sản phẩm giá trị gia tăng cũng giảm 15%, còn 6 tỷ đồng.

Về doanh thu theo thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, đạt 222 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Xếp sau là thị trường châu Âu, đạt 138 tỷ đồng, nhưng con số này thấp hơn 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng đáng chú ý đến 91%, lên 134 tỷ đồng.

Ở thị trường nội địa, VHC thu về 210 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ.

Tháng 1/2024, tổng doanh thu của Công ty ở mức 921 tỷ đồng. Gộp 2 tháng đầu năm, VHC đem về 1.722 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch 19/3, giá cổ phiếu VHC dừng ở mức 76.200 đồng/cp, tăng khoảng 27% so với đầu năm, tương ứng vốn hóa thị trường đạt trên 17,3 nghìn tỷ đồng.

doanh thu Vĩnh Hoàn tháng 9
Vĩnh Hoàn vừa công bố báo cáo tài chính tháng 2/2024

Xuất khẩu phục hồi, giá cá tra tăng mạnh

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng cho biết, trong năm 2023, thị trường Mỹ, châu Âu do chịu tác động của lạm phát, nên sức tiêu dùng của khách hàng cũng hạn chế. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm thị trường có những tín hiệu tích cực, diễn biến thị trường ở một số nước cũng dần ổn định, nhất là thị trường Trung Quốc. Đây cũng là một trong những niềm tin để các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.

“Diễn biến thị trường xuất khẩu cho thấy 3 tháng gần đây có nhiều dấu hiệu tích cực hơn, nhất là thị trường Trung Quốc, qua đó góp phần đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng cao”, ông Đạo nói.

Còn ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Baseafood nhìn nhận, những động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ Việt Nam như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các địa phương, ban, ngành để gỡ “thẻ vàng” IUU, cùng nhu cầu thị trường vẫn có những dấu hiệu tốt là động lực cho sự phục hồi của ngành thủy sản trong quý II, III/2024.

"Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản sang các nước lân cận tìm đối tác gia công cũng là cơ hội của Việt Nam. Trong năm 2023, đơn vị đã tăng lượng hàng gia công cho Nhật lên gần 30% và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2024", ông Dũng nói.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, xu hướng tăng của giá cá tra hiện “rất tốt” và dự báo giá có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng tốc nhập hàng để trả đơn cho đối tác.

Với các yếu tố cung - cầu trên, hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) hiện dự báo giá cá tra xuất khẩu bình quân sang thị trường Mỹ trong năm nay sẽ tăng 10% so với năm 2023.

Đối với giá cá tra nguyên liệu, vào thời điểm ngày 15/2, cá tra nhỏ (một con dưới 1kg) đang được các doanh nghiệp thu mua từ người dân với giá 28.000 đồng/kg, người dân lãi 4.000 đồng/kg. Đây là mức lãi cao nhất trong vòng một năm qua.

“Lúc này đang thiếu cá do cung không đủ cầu”, ông Nguyễn Hoàng Thảo - ngư dân tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang vừa thu hoạch hơn 300 tấn cá tra cho biết.

Hưởng lợi từ chính sách tại Mỹ và châu Âu

Trong tháng 12/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu diện rộng đối với cá hồi, cá tuyết, cua, cá minh thái cũng như các loại cá và hải sản khác có nguồn gốc từ Nga. Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu thuỷ sản từ Nga.

Tuy nhiên, lệnh cấm mới nhất đã mở rộng đáng kể phạm vị áp dụng, nhắm vào cả các sản phẩm đã qua chế biến sử dụng nguyên vật liệu của Nga bất kể địa điểm xử lý cuối.

Đồng thời, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định không cho phép các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nga được hưởng ưu đãi miễn thuế trong giai đoạn 2024-2026.

Bên cạnh đó, hồi tháng 11/2023, Liên minh châu Âu cũng quyết định tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu các sản phẩm cá từ Trung Quốc để kiểm soát hoạt động đánh bắt phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hiện một số tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam kỳ vọng các động thái trên có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam, đặc biệt là cá tra phi lê, tại thị trường Mỹ và châu Âu. Đây là hai thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam.

Vĩnh Hoàn (VHC) “đuối sức”, “ngậm trái đắng” vì “cổ đất”

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm sâu 53% so với mức thực hiện năm 2022. Doanh nghiệp này cũng ...

Doanh nghiệp tuần qua: Vốn hóa Hòa Phát lần đầu vượt Vingroup

Tuần vừa qua, bên cạnh các trạng thái vui - buồn trái ngược của các doanh nghiệp khi công bố báo cáo tài chính, sàn ...

Triển vọng cổ phiếu thủy sản: "Cửa vẫn chưa sáng"

SSI Research chỉ rõ nguyên nhân ngành thuỷ sản chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại do nhu cầu tại các thị trường chính ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán