Vinapharm đặt mục tiêu doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, sẽ ''chuyển nhà'' cho cổ phiếu DVN

(Banker.vn) Ban lãnh đạo khẳng định luôn nhận thức được vai trò và vị thế của Vinapharm đối với ngành dược và phương án chuyển niêm yết lên HOSE, HNX luôn được tính đến.
Cần quy định cụ thể các loại thuốc được kinh doanh thương mại điện tử Phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm: Đâu là lời giải để "cất cánh"? Xu hướng mỹ phẩm thiên nhiên lên ngôi: Đâu là lối đi cho thương hiệu Việt?

Ngày 23/4, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm, UPCoM: DVN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, trong đó toàn bộ các tờ trình đều được thông qua.

Nhìn lại hoạt động của Vinapharm năm 2023, bà Hàn Thị Khánh Vinh, Tổng giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết, tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.868 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2022 và cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Biên lợi nhuận cải thiện tốt giúp lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng, tăng 222% so với thực hiện năm 2022 và vượt 27% kế hoạch.

Vinapharm đặt mục tiêu doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, sẽ ''chuyển nhà'' cho cổ phiếu DVN
Tổng giám đốc Hàn Thị Khánh Vinh (ngoài cùng tay phải) cùng các thành viên đoàn chủ tọa

Năm 2024, ban lãnh đạo Vinapharm dự đoán ngành dược phẩm thế giới sẽ bước vào giai đoạn phục hồi. Vì vậy, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu hợp nhất là 5.955 tỷ đồng và 475,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 2% và 12% so với thực hiện năm 2023.

Đáng chú ý, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua Đề án tái cơ cấu Vinapharm với những định hướng lớn bao gồm triển khai xây dựng Hệ thống phân phối hiện đại, chuyên nghiệp để nâng cao năng lực phân phối của tổng công ty và các công ty con; tăng vốn điều lệ tại các công ty con và tăng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị thành viên có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ cổ tức cao, định hướng phát triển bền vững; tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp ngành dược ngoài danh mục các đơn vị thành viên hiện tại để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn và tận dụng các cơ hội đầu tư trên thị trường...

Bên cạnh đó, cổ đông cũng thống nhất với phương án thay đổi mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của Vinapharm, trong đó ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ủy ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT. Số lượng thành viên HĐQT bao gồm cả thành viên độc lập cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 5 thành viên. Đại hội cũng đã bầu ông Đỗ Mạnh Cường là thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trả lời câu hỏi cổ đông về kế hoạch niêm yết cổ phiếu DVN trong tương lai, bà Hàn Thị Khánh Vinh khẳng định ban lãnh đạo luôn nhận thức được vai trò và vị thế của tổng công ty đối với ngành dược Việt Nam và việc đưa cổ phần lên niêm yết tại sàn giao dịch có tiêu chuẩn cao như HOSE và HNX luôn được tính đến.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, có một số khó khăn và thách thức liên quan đến hệ thống phần mềm kế toán, nên Vinapharm đang nỗ lực xử lý và hy vọng sẽ nhanh chóng hoàn tất để sớm "chuyển nhà" cho cổ phiếu DVN.

Cổ đông cũng đặt câu hỏi về tiến độ nâng sở hữu của Vinapharm tại Công ty Cổ phần Sanofi Việt Nam (SVN) lên 30%, Tổng giám đốc cho biết, theo thỏa thuận đã ký giữa các cổ đông SVN, một trong những điều kiện tiên quyết để Tổng công ty được nâng tỷ lệ sở hữu tại SVN từ 15% lên 30% là sau khi đã hoàn thành việc giải thể Công ty Cổ phần Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam (SSV).

"Hiện nay, ban điều hành tổng công ty và Sanofi đang trao đổi, đàm phán để có thể rút ngắn thời gian, sớm hiện thực mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu của tổng công ty tại SVN lên 30% tại thời điểm phù hợp", bà Hàn Thị Khánh Vinh cho hay.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu DVN đứng ở mức giá tham chiếu 18.100 đồng/cp, tương đương tổng giá trị vốn hóa đạt 4.289 tỷ đồng.

Ánh Dương

Theo: Báo Công Thương