Vinam (CVN) bị xử phạt 150 triệu đồng do thay đổi phương án sử dụng vốn khi chưa được ủy quyền

(Banker.vn) Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Vinam (HNX: CVN).

Cụ thể, ngày 7/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Vinam do có hành vi vi phạm thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khi chưa được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho phép thực hiện.

Vinam (CVN) bị xử phạt 150 triệu đồng do thay đổi phương án sử dụng vốn khi chưa được ủy quyền
Hình minh họa

Trong đó, ngày 11/01/2021, Vinam hoàn thành đợt chào bán 8.250.000 cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn điều lệ từ 115,5 tỷ đồng lên 198 tỷ đồng. Ngày 29/3/2021, Hội đồng quản trị Công ty thông qua Nghị quyết số 2903/2021/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên (với tỷ lệ thay đổi là 44,44% số tiền thu được từ đợt chào bán) theo uỷ quyền của Đại hội đồng cổ đông và đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 về việc đã sử dụng hết 100% số tiền thu được từ đợt chào bán tại Nghị quyết số 25/2021/CVN ngày 01/7/2021.

Tuy nhiên, ngày 10/01/2022, Hội đồng quản trị CVN tiếp tục thông qua Nghị quyết số 1001/2022/NQHĐQT/CVN về việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán nêu trên (với tỷ lệ thay đổi là 20,2% số tiền thu được từ đợt chào bán) nhưng không được Đại hội đồng cổ đông uỷ quyền.

Theo đó, UBCKNN xử phạt Vinam với số tiền là 150 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP).

Cùng việc bị phạt tiền, Vinam phải khắc phục hậu quả là không áp dụng biện pháp buộc thông qua Đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ, do Công ty đã thực hiện báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 theo Nghị quyết số 2106/2022/NQ-ĐHĐCĐ ngày 21/6/2022.

Không chia cổ tức 2022

Theo tìm hiểu, Công ty CP Vinam tiền thân là Công ty CP Đầu Tư Tài Nguyên và Năng Lượng Việt Nam, được thành lập ngày 14/2/2007. Đến tháng 12/2009, Công ty đổi tên thành Công ty CP Vinam, với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là Xây dựng dân dụng, Bán buôn vật liệu xây dựng và tư vấn lập hồ sơ thầu.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, CVN vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Theo đó, CVN dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu tổng doanh thu 250 tỷ đồng và lãi sau thuế 40 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,3 lần và 5,7 lần năm trước.

Về phương án phân phối lợi nhuận, căn cứ nhu cầu nguồn lực tài chính để đầu tư các hạng mục dự án đang triển khai năm 2023, HĐQT CVN đề nghị phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm 2022 gần 7 tỷ đồng (không thực hiện phân chia các quỹ, không chia trả cổ tức 2022) để tái đầu tư, nâng cao năng lực tài chính cho Công ty.

Bên cạnh đó, CVN cũng công bố tờ trình báo cáo tình hình sử dụng vốn và thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 198 tỷ đồng lên gần 297 tỷ đồng.

Cụ thể, sau khi thu gần 99 tỷ đồng từ đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng (ngày kế thúc đợt chào bán là 3/8/2022), CVN đã hoàn thành giải ngân hơn 31 tỷ đồng để góp đủ vốn đã đăng ký tại Công ty CP Công nghệ cao Y tế và Môi trường Hạ Long Tokyo, và giải ngân gần 18 tỷ đồng góp vốn trong đợt tăng vốn của Công ty TNHH Vinam Sài Gòn.

Còn lại gần 50 tỷ đồng dự kiến bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LPG chưa được giải ngân do CVN nhận thấy chưa phải là thời điểm thích hợp để triển khai kinh doanh khí LPG. Do đó, HĐQT trình cổ đông thông qua phương án sử dụng vốn mới để tăng tính hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng kịp thời nguồn tiền cần sử dụng của Công ty cho các hoạt động kinh doanh.

Với phương án mới, CVN dự kiến dùng gần 50 tỷ đồng còn lại để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh máy, vật tư, trang thiết bị nông nghiệp… Thời gian giải ngân dự kiến từ quý 3-4/2023.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh tới 118% khiến lãi gộp giảm 20%. Biên lãi gộp theo đó lao dốc từ 39% xuống 18,5%.

Cộng thêm đó, các chi phí đồng loạt tăng cao khiến lãi sau thuế quý 1 của CVN giảm tới 94% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 94 triệu đồng.

Trên thị trường, HNX đã đưa vào diện bị cảnh báo đối với cổ phiếu CVN từ ngày 24/4 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2022 của Vinam.

Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Vinam (CVN): “Tôi chưa nghĩ đến việc bán cổ phiếu CVN trong vòng 10 năm tới”

TBCKVN - Đó là lời khẳng định đầu tiên khi chúng tôi có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Quang Thắng - ...

Vinam sắp trả cổ tức năm 2019, tổng tỷ lệ 60%

Ngày 8/12 tới đây, CTCP Vinam (HNX - Mã chứng khoán: CVN) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán