VinaCapital: 2022 sẽ là một năm thuận lợi nữa cho chứng khoán Việt Nam

(Banker.vn) Nhóm chuyên gia phân tích đến từ Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và ngành hàng tiêu dùng sẽ là những nhóm được hưởng lợi được từ những thuận lợi mang tính chu kỳ lẫn tính dài hạn trong năm nay.

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng vọt 37,3% (tính bằng đồng USD) trong 2021, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng lợi nhuận ước tính trên 30%, do đó tỷ lệ P/E năm 2021 về cơ bản đã không đổi quanh mức 17x trong suốt cả năm. Các con số dự báo đồng thuận cho tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2021 liên tiếp được nâng lên theo thời gian trong 2021 và chính việc tăng các con số dự báo này là nhân tố cơ bản thúc đẩy thị trường lên cao hơn trong 2021, mặc cho 2 đợt bùng phát COVID-19 trong năm qua.

“Rõ ràng, sự tăng vọt của VN-Index được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận từ các doanh nghiệp trong năm ngoái, điều này rất quan trọng để các nhà đầu tư cần nắm rõ bởi 3 lý do. Thứ nhất, thị trường giá tăng, lấy tăng trưởng lợi nhuận làm nền tảng thì bền vững và khỏe mạnh hơn là dựa vào gia tăng số nhân P/E. Thứ hai, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận 24% trong năm 2022, nhân tố thúc đẩy thị trường đi lên đáng kể trong năm nay. Thứ ba, trong khi sự tăng vọt số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân cũng hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2021, tăng trưởng lợi nhuận là yếu tố chính thúc đẩy thị trường”, Michael Kokalar, chuyên gia kinh tế trưởng tại VinaCapital giải thích.

Thêm vào đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam cũng ngày càng thông minh hơn một cách đáng kinh ngạc khi họ bắt đầu tập trung vào các yếu tố tăng trưởng kinh tế, môi trường vĩ mô thế giới (bao gồm cả việc Fed cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng, v.v), và các tiến triển mới của các ngành cụ thể.

Nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đang chiến khoảng 90% khối lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó các nhà đầu tư chủ động với phương pháp đầu tư đúng đắn, dự đoán được dịch chuyển giữa các ngành và có thể ước đoán chính xác tăng trưởng lợi nhuận của các công ty đơn lẻ sẽ có vị thế thuận lợi để tăng vượt chỉ số VN-Index.

Điểm nhấn ngân hàng, bất động sản và ngành hàng tiêu dùng

Chiến lược đầu tư hiện tại của VinaCapital là vẫn tập trung vào việc nhận dạng những cổ phiếu và ngành nào sẽ hưởng lợi từ đà hồi phục kinh tế đang tiến triển ở Việt Nam, bao gồm cổ phiếu từ lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, bất động sản, và nguyên vật liệu. Thêm vào đó, các nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn vẫn không bị tổn hại gì sau COVID-19, do vậy chúng tôi cũng tiếp tục tập trung vào những cổ phiếu và những ngành được hưởng lợi từ dòng vốn FDI chảy vào nội địa, triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, cũng như chuyển đổi số.

“Ngành ngân hàng (có tỷ trọng quanh mức 30% trong chỉ số VN-Index), bất động sản (chiếm tỷ trọng khoảng 25%), và cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng (chiếm tỷ trọng khoảng 3%) sẽ đều hưởng lợi được từ những thuận lợi mang tính chu kỳ lẫn tính dài hạn trong năm nay”, ông Michael Kokalar nhận định.

Cũng theo luận điểm của các chuyên gia VinaCapital, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30% trong năm nay nhờ vào tăng trưởng tín dụng 14% và vì các ngân hàng Việt Nam sẽ ít bị tác động bởi COVID-19.

Cụ thể, vấn đề về chất lượng tài sản ít ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng hơn và chúng tôi không kỳ vọng các ngân hàng (nhất là nhóm ngân hàng thương mại nhà nước) sẽ tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế (ví dụ, bằng cách đưa ra lãi suất cho vay ưu đãi) một lần nữa trong 2021.

Hơn nữa, hai xu hướng đang diễn ra sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2022, đó là cơ cấu khoản vay được cải thiện (nhiều khoản vay bán lẻ, doanh nghiệp vừa và n hơn) và chi phí huy động vốn thấp hơn, nhờ tỷ trọng cao hơn từ nguồn các tài khoản tiết kiệm vãng lai chi phí thấp. Ngoài ra, các chính sách cơ cấu lại nợ xấu của Chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp khoản lỗ cho vay từ COVID trong ba năm, điều này sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.

“Mặc dù khá lạc quan về triển vọng chung của ngành ngân hàng, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cá nhân sẽ dao động từ khoảng –13% đến khoảng +25%, một phần do Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên chất lượng tài sản có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng sẽ dao động từ 11 - 12% đến hơn 20% trong năm nay”, ông Michael Kokalar cho biết.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường đòi hỏi các khoản trả trước hậu hĩnh) và các vấn đề về xoay vòng/tái cơ cấu.

Tiếp theo, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các công ty bất động sản sẽ tăng gần 25% vào năm 2022, nhờ vào doanh số bán/đặt mua trước các bất động sản của các doanh nghiệp phát triển bất động sản tăng gần gấp đôi sau khi giảm hơn 50% vào năm 2021 do COVID-19, cũng như các vấn đề pháp lý/quy định hiện đang được giải quyết. Ngoài ra, thu nhập của các công ty có doanh thu định kỳ cũng dự kiến sẽ tăng trong năm nay.

Bên cạnh đó, khi vốn đầu tư vào bất động sản vẫn sôi động, một phần nhờ vào lãi suất huy động thấp mà các ngân hàng trả cho người gửi tiết kiệm, sẽ đảm bảo rằng giá bất động sản tiếp tục tăng vào năm 2022. Chuyên gia VinaCapital tin rằng bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá và nhu cầu mua nhà để ở hoặc cho mục đích đầu tư sẽ bị dồn nén sẽ dẫn đến sự gia tăng dự kiến trong số lượng bán trước các bất động sản mới vào năm 2022.

Sau cùng, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trở lại vào năm 2022. Nhóm chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm được coi là có lợi cho sức khỏe. Mặt khác, đại dịch đã thúc đẩy xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trong kênh bán lẻ hiện đại và thông qua thương mại điện tử.

Tuy nhiên, thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch, vì vậy một số người tiêu dùng có khả năng chuyển mua các sản phẩm rẻ hơn, do đó doanh số bán một số mặt hàng không thiết yếu hoặc cao cấp sẽ không phục hồi kịp về mức trước COVID-19 trong năm nay.

Quỳnh Dương

Theo Tạp chí Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ