Doanh nghiệp Việt phát triển giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư qua “Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp” |
Việt Nam và Israel vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do sau 7 năm và đạt được thoả thuận với mong muốn và lợi ích của hai nước. Xin ông nói rõ hơn về những thoả thuận mà hai nước đã đạt được trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA)?
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương): Về tổng thể, VIFTA bao gồm các nội dung mang tính chất một Hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống với các lĩnh vực cơ bản như: Thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm Chính phủ, pháp lý - thể chế. Mức độ cam kết trong tất cả các lĩnh vực không vượt quá khuôn khổ pháp luật hiện hành cũng như các FTA Việt Nam đang tham gia.
Theo đó, về thương mại hàng hoá, Israel cam kết bỏ thuế quan với tổng cộng 92,7% số dòng thuế, trong đó xoá bỏ ngay 66,3% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xoá bỏ 26,4% số dòng thuế sau một khoảng thời gian nhất định với lộ trình từ 3-5-7 và 10 năm. Một số mặt hàng nông sản như: Trứng, thịt, khoai tây, cà rốt, nấm, mật ong, cá ngừ… được Isael dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0%.
Về thương mại, dịch vụ, đầu tư, Việt Nam mở cửa thêm cho Israel một số lĩnh vực bạn quan tâm như: Bán lẻ, cho thuê máy móc không kèm người điều khiển, dịch vụ quảng cáo .... Về mua sắm của Chính phủ, hai bên thống nhất trước mắt cam kết mang tính hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin, sẽ tiếp tục đàm phán về mở cửa thị trường mua sắm công khi điều kiện cho phép.
Ngoài ra, các nội dung liên quan đến pháp lý, thể chế đều được hai bên thống nhất hướng xử lý không ảnh hưởng đến tính chất, đặc thù của mỗi bên về chế độ chính trị và an ninh quốc phòng cũng như hệ thống pháp luật hiện hành.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) |
Ông đánh giá như thế nào về hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Israel trong thời gian vừa qua? Đâu là những lĩnh vực mà hai bên sẽ thúc đẩy và có cơ hội hợp tác sâu hơn trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương): Hiện tại, Israel là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng của Việt Nam tại khu vực. Đây là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 785,7 triệu USD, tăng 0,6% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Israel đạt 1,4 tỷ USD, tăng 30%.
Bên cạnh đó, cơ cấu nền kinh tế hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Israel và Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để hai nước thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của mình.
Sau chuyến làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Israel từ ngày 2-4/4/2023, Bộ trưởng hai nước bên cạnh việc ký kết thúc đàm phán VIFTA đã có những đồng thuận chung về việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác để khai thác tính bổ trợ lẫn nhau cơ cấu nền kinh tế hai nước.
Đây là điều kiện thuận lợi để hai nước thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của mình trong thời gian tới. Do vậy, tiếp theo đây, các hoạt động trao đổi giữa các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… để cùng tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu tại các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở cả Việt Nam và Israel sẽ được hai bên tiếp tục triển khai.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khuyến khích các doanh nghiệp Israel đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp vật liệu; công nghệ thông tin; sản xuất xanh; sản xuất sạch… đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp. Do vậy, tôi tin rằng trong thời gian tới, các lĩnh vực này tại Việt Nam sẽ chứng kiến sự hiện diện của các nhà đầu tư Israel tham gia đầu tư và phát triển.
Nông sản của Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường Israel |
Israel là thị trường có dung lượng khiêm tốn với xấp xỉ 9,7 triệu người, nhưng thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt xấp xỉ 55.000 USD. Mỗi năm, Israel nhập khẩu 25 tỷ USD, trong đó chủ yếu là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, giày dép… đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Theo ông, điều này sẽ mở ra cơ hội như thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong chinh phục thị trường Israel?
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương): Đối với những mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, giày dép… đây là những mặt hàng thế mạnh cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam khi chúng ta đang trở thành một trong những “công xưởng” lớn của thế giới trong sản xuất những mặt hàng này, đồng thời đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc…
Thị trường Israel với thu nhập bình quân đầu người cao và kim ngạch nhập khẩu lớn, là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và với sự trợ giúp từ các ưu đãi từ Hiệp định VIFTA khi đi vào ký kết và thực thi dự kiến vào đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam càng có thêm lợi thế trong việc thâm nhập thị trường.
Cụ thể, một số mặt hàng nông sản như: Trứng gà, thịt, khoai tây, cà rốt, súp lơ, nấm, mật ong, cá ngừ… được Israel dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0%. Các mặt hàng thời trang, giày dép gia công và thành phẩm thuộc nhóm HS từ 61-64 hầu hết đều được miễn thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi các mặt hàng thời trang, giày dép thể thao hầu hết có lộ trình xoá bỏ thuế quan trong vòng 3-5 năm. Các doanh nghiệp có thể bắt đầu tìm hiểu về thị trường cũng như lên kế hoạch để tận dụng các lợi thế này.
Tuy nhiên, Israel là thị trường với nhiều đặc điểm, đặc thù về con người và tôn giáo… do vậy các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tập quán, quy định và thị hiếu thị trường để tránh gặp phải rào cản không đáng có khi thâm nhập thị trường này.
Cá ngừ là một trong những mặt hàng nông sản được Israel dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0% |
Được biết, thói quen tiêu dùng của thị trường Israel là muốn mua hàng thành phẩm đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn với bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng. Điều này tạo ra những thách thức như thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam và để đáp ứng được thói quen tiêu dùng này, doanh nghiệp Việt cần làm gì để chinh phục thị trường Israel, thưa ông?
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương): Đối với vấn đề này, tại thời điểm hiện tại, theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh việc nắm rõ thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Israel, cần cố gắng tìm hiểu thêm về các quy định liên quan đến thị trường này như: Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), về dán nhãn, đóng gói… để đáp ứng và áp dụng vào sản phẩm muốn xuất khẩu, thâm nhập thị trường Israel. Các thông tin này có thể được cung cấp qua kênh thương vụ Việt Nam tại Israel.
Trong tương lai, khi VIFTA được ký kết và có hiệu lực, ngoài các ưu đãi về thuế quan, sẽ có nhiều cam kết về tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm, hải quan… sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu hai nước trong việc tham gia và thâm nhập thị trường. Đây là một trợ lực lớn và đáng mong đợi, giúp doanh nghiệp dễ dàng sản xuất và tiếp cận thị trường, do vậy, doanh nghiệp có thể chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như kế hoạch để tìm hiểu thêm về Hiệp định. Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương chắc chắn sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực thi Hiệp định này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hòa - Hùng - Phương (thực hiện)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|