Viettel hợp tác với nhà sản xuất chip hàng đầu Mỹ để phát triển trạm gốc 5G, thách thức thế độc quyền của 3 "ông lớn"

(Banker.vn) Viettel hợp tác với Qualcomm phát triển trạm gốc 5G sử dụng công nghệ Open RAN, thách thức thế độc quyền của Huawei, Nokia và Ericsson. Với mục tiêu triển khai hàng nghìn trạm gốc tại Việt Nam và mở rộng sang Ấn Độ, UAE, Viettel đang dẫn đầu trong lĩnh vực 5G. Công nghệ này hứa hẹn giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy viễn thông toàn cầu.

Theo Nikke Asia (một Tạp chí tiếng Anh tập trung vào tin tức kinh tế và chính trị châu Á), Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã hợp tác với Qualcomm, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ để phát triển thiết bị trạm gốc 5G Open RAN. Dự án này không chỉ nhằm hoàn thiện công nghệ tại Việt Nam mà còn hướng đến các thị trường mới nổi trên thế giới.

Viettel hợp tác với nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ để phát triển trạm gốc 5G, thách thức thế độc quyền của 3 "ông lớn"
Ảnh: Nikke Asia

Khác với các mạng di động truyền thống, nơi trạm gốc thường sử dụng thiết bị từ một nhà cung cấp duy nhất, công nghệ Open RAN cho phép tích hợp sản phẩm từ nhiều nhà sản xuất. Điều này hứa hẹn phá vỡ sự thống trị của các tập đoàn lớn như Huawei (Trung Quốc), Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), đồng thời giúp giảm chi phí triển khai mạng lưới.

Theo Viettel, dự án này đánh dấu mạng Open RAN 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ của Qualcomm. Viettel High Tech, công ty con của tập đoàn, đã thiết kế phần cứng và phát triển phần mềm tích hợp chipset 5G từ Qualcomm. Ông O.H. Kwon, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Qualcomm, đánh giá đây là cột mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai công ty.

Trạm gốc sử dụng công nghệ mới này sẽ được lắp đặt tại Việt Nam, với kế hoạch đạt hơn 300 trạm vào cuối tháng 3 năm 2024 và hàng nghìn trạm vào cuối năm. Dự kiến, đến năm 2029, khoảng 90% dân số Việt Nam sẽ có thể truy cập mạng 5G trong nhà. Ông Gerardo Giaretta, Phó Chủ tịch quản lý sản phẩm của Qualcomm, nhận định rằng thành công tại Việt Nam sẽ giúp Qualcomm cạnh tranh tại các thị trường mới nổi vốn rất nhạy cảm với chi phí.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Vũ Hà, CEO Viettel High Tech, cho biết công ty đã bắt đầu giới thiệu thiết bị này tại Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Công nghệ Open RAN đang thu hút sự chú ý toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Nhiều quốc gia lo ngại về các sản phẩm từ Huawei, và Đức đã ra lệnh loại bỏ các thiết bị của Huawei và ZTE khỏi mạng 5G trước năm 2026. Open RAN, với khả năng giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc, được xem là công nghệ quan trọng cho an ninh kinh tế.

Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với dự án hợp tác giữa Viettel và Qualcomm. Bà Lynne Gadkowski, cố vấn kinh tế tại Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, khẳng định đây sẽ là hình mẫu cho những thành tựu mà các công ty Mỹ và Việt Nam có thể đạt được thông qua hợp tác.

Viettel, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, hiện hoạt động tại 11 quốc gia, bao gồm châu Phi và Nam Mỹ. Tập đoàn này chiếm thị phần lớn nhất tại các thị trường Việt Nam, Campuchia và Myanmar, đồng thời là đơn vị ra mắt dịch vụ 5G đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10 năm nay.

Trong năm 2023, Viettel đạt doanh thu hợp nhất 172 nghìn tỷ đồng (6,8 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế 35 nghìn tỷ đồng, vượt trội so với các đối thủ trong nước như MobiFone và Vinaphone.

Không chỉ Việt Nam, Open RAN còn mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các công ty Nhật Bản. NTT Docomo đã tiên phong triển khai dịch vụ Open RAN 5G quy mô lớn và đang lên kế hoạch thương mại hóa công nghệ này tại Singapore, Indonesia và Peru, hợp tác cùng các đối tác như Fujitsu, Intel và Arm.

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam: Cơ hội và thách thức tại Mỹ dưới chính quyền của Trump

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn tại thị trường Mỹ dù gặp phải các biện pháp phòng vệ thương ...

Embraer - Nhà sản xuất máy bay thương mại lớn sau Boeing và Airbus muốn mở rộng hợp tác tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo Tập đoàn Embraer tại Brazil, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng không. ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục