Vietnam Airlines (HVN): Hoạt động kinh doanh đã hồi phục 80-90%, muốn tăng vốn điều lệ trong năm nay

(Banker.vn) Lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia đã phục hồi 80-90% đồng thời đề nghị được hỗ trợ lãi suất cho vay trung dài hạn và tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra sáng ngày 14/3, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) cho hay, hãng hàng không quốc gia đã phục hồi được khoảng 80-90% so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Vietnam Airlines (HVN): Hoạt động kinh doanh đã hồi phục 80-90%, muốn tăng vốn điều lệ trong năm nay
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines phát biểu tại Hội nghị sáng 14/3

Theo ông Hòa, trong giai đoạn vừa qua, khi ngành hàng không phải đối diện với đầy thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những giải pháp hỗ trợ hết sức quyết liệt như: Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các Thông tư số 01, 02 của NHNN, giúp ngành hàng không nói chung và hãng hàng không quốc gia từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Với chính sách visa mới, Vietnam Airlines đã phục hồi khoảng 80-90% so với trước dịch năm 2019”, ông Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh.

Người đứng đầu hãng hàng không quốc gia cũng nói thêm, xác định vai trò của ngành vận tải là đi trước mở đường để đưa phát triển kinh tế - xã hội, địa phương, du lịch, đầu tư… đưa kinh tế Việt Nam ra thế giới và đưa kinh tế thế giới tới Việt Nam, Vietnam Airlines sẽ mở lại các đường bay cũ cũng như mở các đường bay mới, đặc biệt những đường bay xuyên lục địa trong thời gian tới.

Ông Hoà bày tỏ, mặc dù ngành hàng không bị ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề chính trị, đặc biệt là vấn đề Trung Đông cũng như là Nga và Ukraine làm cho chi phí tăng lên rất cao nhưng doanh nghiệp quyết tâm phấn đấu mở rộng mảng bay, cân đối thu chi, hoặc tiệm cận được cân đối thu chi vào năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đã nêu lên một số kiến nghị đối với chính sách tiền tệ và các chính sách chung. Cụ thể, lãnh đạo hãng hàng không quốc gia đánh giá, lãi suất vẫn cao và cũng rất khó tiếp cận. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, tỷ giá cũng là vấn đề lớn với đối với các hãng bay. Theo tính toán của Vietnam Airline, cứ 1% thay đổi tỷ giá thì mất 300 tỷ, nếu tỷ giá biến động 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng. Đối với vấn đề này, doanh nghiệp mong muốn tỷ giá ổn định hoặc biến động ở mức thấp nhất có thể.

Đồng thời, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cũng kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho hãng.

Đáng chú ý, trong đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có đưa ra giải pháp tăng vốn điều lệ. Theo đó, hãng hàng không quốc gia mong muốn Chính phủ và NHNN chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ hoạt động tăng vốn này. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đưa dẫn chứng Temasek của Singapore hỗ trợ vay vốn kích cầu cho Singapore Airlines 15 tỷ USD.

Trước đó, vào tháng 11/2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành đợt chào bán gần 800 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ lên 22.144 tỷ đồng. Đây là một hoạt động nằm trong chiến lược giải cứu hãng hàng không quốc gia, bên cạnh việc tái cấp vốn để bổ sung dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh.

Vietnam Airlines (HVN): Hoạt động kinh doanh đã hồi phục 80-90%, muốn tăng vốn điều lệ trong năm nay
Vietnam Airlines đã hồi phục 80-90%

Về tình hình doanh, luỹ kế năm 2023, doanh thu thuần của Vietnam Airlines tăng tới 30%, đạt xấp xỉ 91.459 tỷ đồng. Nhờ 3 quý đầu năm khởi sắc, doanh nghiệp báo lãi gộp 3.939 tỷ đồng và đánh giá, đây là kết quả khả quan trong giai đoạn phục hồi sau Covid và trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Dù vậy, sau cùng, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 5.517 tỷ đồng. Nhìn một cách tích cực, khoản lỗ này đã giảm hơn một nửa so với năm 2022. Tuy nhiên, cần biết, doanh nghiệp đã thua lỗ 4 năm liên tiếp và điều này đã khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2023 âm 40.957 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 16.945 tỷ đồng.

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước những đề xuất, kiến nghị từ phía các doanh nghiệp, định hướng chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát bằng ba cụm từ "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá":

  • 5 tăng: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.
  • 5 giảm: Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…
  • 5 tăng tốc, bứt phá: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục