Vietnam Airlines có thể lỗ thêm 3.300 tỷ đồng trong nửa cuối 2023, lũy kế lỗ sát ngưỡng 40.000 tỷ đồng

(Banker.vn) Đó là ước tính được đưa ra bởi CMSC, trong giai đoạn đầy khó khăn của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (HVN).
Vietnam Airlines có thể lỗ thêm 3.300 tỷ đồng trong nửa cuối 2023, lũy kế lỗ sát ngưỡng 40.000 tỷ đồng
Ước tính cả năm 2023, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng

Mới đây, trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ước tính, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023. Nếu so với khoản lỗ 10.091 tỷ đồng ghi nhận trong báo cáo tự lập năm 2022, con số này đã giảm hơn một nửa.

Cũng theo báo cáo của CMSC, sản lượng vận chuyển hành khách 8 tháng đầu năm của Vietnam Airlines ước đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng hàng hóa vận chuyển giảm 4%, đạt 193.300 tấn.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Vietnam Airlines ghi nhận, kết quả kinh doanh của hãng hàng không này đã phần nào được cải thiện, nhờ các lượng khách nội địa và quốc tế hồi phục. Trong đó, doanh thu thuần nửa đầu năm tăng 47%, lên mức 44.059 tỷ đồng.

Mặc dù vẫn chưa thể thoát lỗ, nhưng khoản lỗ trước thuế gần 1.198 tỷ đồng đã giảm khá nhiều so với con số 5.101 tỷ đồng ghi nhận năm 2022.

Theo Vietnam Airlines, lỗ quý II/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ là nhờ doanh nghiệp vận tải (công ty mẹ và PA) giảm lỗ và các công ty con đã kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.

Do thua lỗ 14 quý liên tiếp, tính đến ngày 30/6, hãng hàng không quốc gia lỗ lũy kế 35.667 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng. Tạm tính, nếu theo dự báo của CMSC, cuối năm 2023 giá trị lũy kế lỗ sẽ gần chạm mốc 40.000 tỷ đồng.

Đáng nói, việc thua lỗ ba năm liên tiếp khiến cho cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có nguy cơ bị huỷ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Đến thời điểm hiện tại, hãng bay này vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022 và tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Trong văn bản giải trình gửi HOSE hồi cuối tháng 8, Vietnam Airlines cho biết, hãng đang nỗ lực cùng các công ty kiểm toán độc lập khẩn trương hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Vietnam Airlines kiến công bố báo cáo này và báo cáo soát xét bán niên 2023 vào cuối tháng 8 và muộn nhất trong tháng 9 và dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong tháng 10 tới.

Vietnam Airlines nói thêm, hãng đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 và báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đề án này, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như tăng cường thích nghi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong một diễn biến khác, ngày 11/9, Vietnam Airlines và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã đã ký kết một thoả thuận trị giá 7,8 tỷ USD. Theo đó, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới sẽ cung cấp cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam 50 chiếc máy bay thân hẹp 787 MAX, dự kiến bàn giao trong giai đoạn 2027 – 2023.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa, đầu tư máy bay là hoạt động trọng điểm của hãng trong chiến lược phát triển đội bay giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Dàn máy bay Boeing 787 MAX được “tậu” về sẽ thay thế cho loạt máy bay thân hẹp A321 – dòng máy bay đang được Vietnam Airlines bán đấu giá trong những tháng trở lại đây.

Cũng cần nói thêm, việc Vietnam Airlines tỏ ra “bạo chi” trong bối cảnh kinh doanh “bết bát” khiến dư luận đặt ra câu hỏi rằng, liệu hãng bay này có đủ tiền không và lấy tiền đâu ra để thanh toán cho thương vụ tỷ USD này.

Liên quan đến việc thu xếp tài chính để mua máy bay, Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền khẳng định, để triển khai dự án, hãng hàng không này chắc chắn phải đảm bảo và có khả năng tự chủ một phần nguồn vốn sau quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu, phục hồi, phát triển sau đại dịch. Bên cạnh nguồn vốn chủ động, Vietnam Airlines cũng kỳ vọng và tin tưởng vào sự hỗ trợ thu xếp tài chính của Boeing, cũng như Chính phủ Mỹ.

Ông Hiền cũng nói thêm, Vietnam Airlines đã và sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước cũng như giải pháp bán và thuê lại.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán