Vietnam Airlines: Cổ phiếu HVN thoát “án” hủy niêm yết, hé lộ loạt vấn đề nghiêm trọng về tình hình tài chính

(Banker.vn) Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HOSE - Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 với khoản lỗ sau thuế trong kỳ là 13.279 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lỗ 13.338 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.

Lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tại ngày 31/12/2021 cũng giảm từ 21.979 tỷ xuống còn 21.961 tỷ đồng - nhỏ hơn với vốn điều lệ (22.144 tỷ đồng).

Như vậy, với tiêu chí này, cổ phiếu HVN đã thoát án hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE khi theo Trích Điều 120 của Nghị định 155/2020/NĐ-CP, một trong những điều kiện để hủy niêm yết bắt buộc đối với một mã cổ phiếu có nêu: "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Tuy xác nhận vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là số dương nhưng kiểm toán viên cũng chỉ ra loạt vấn đề nghiêm trọng về tình hình tài chính của Tổng Công ty như: Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng; khoản phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng và dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ đồng.

“Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê”, kiểm toán lưu ý.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hợp nhất 2.686 tỷ đồng, qua đó Doanh nghiệp này có quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp khiến lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2022 đã vượt quy mô vốn điều lệ trong khi vốn chủ sở hữu đã chuyển âm.

Cũng theo báo cáo tài chính quý I/2022, HVN đạt doanh thu hợp nhất đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ quý II/2020 - thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không.

Mặc dù vậy, do giá vốn vượt doanh thu, Vietnam Airlines lỗ gộp gần 1.600 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 2.621 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng hàng không quốc gia.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2022 phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế 3 tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.

Tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Vốn chủ sở hữu của hãng bay này lại âm 2.160 tỷ đồng. Cuối tháng 9 năm ngoái, Vietnam Airlines thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu sau khi bổ sung gần 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành thêm gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 26/5/2022, giá cổ phiếu HVN đứng mức 17.850 đồng/cp, giảm 23% so với thời điểm đầu năm 2022. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu HVN thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

UBCKNN “khước từ” đề nghị được hoãn nộp BCTC quý I/2022

Vào ngày 29/4/2022, Vietnam Airlines đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đề nghị được hoãn công bố báo cáo tài chính quý I/2022. Lý do mà Vietnam Airlines đưa ra là nhiều cán bộ nhân viên kế toán phải cách ly, điều trị COVID-19. Các nhân sự còn lại phải ưu tiên hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 nên chưa thể tập trung lập báo cáo tài chính quý I/2022. Vietnam Airlines cam kết sẽ công bố đầy đủ báo cáo tài chính quý I/2022, nhưng không nêu thời hạn cụ thể.

Ngày 11/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết lý do mà Vietnam Airlines đưa ra trong công văn ngày 29/4 là không phù hợp. Vì vậy, Ủy ban yêu cầu Vietnam Airlines phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Ủy ban còn đề nghị Vietnam Airlines khẩn trương công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 và báo cáo thường niên năm 2021.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn phải phải công bố báo cáo tài chính quý trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là báo cáo quý I/2022 phải được công bố chậm nhất vào ngày 20/4/2022.

Nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp Vietnam Airlines thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý I chậm nhất vào ngày 30/4.

Công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm, tức là báo cáo năm 2021 phải được công bố chậm nhất vào ngày 31/3/2022.

Báo cáo thường niên phải được công bố trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán nhưng không vượt quá 110 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức là báo cáo thường niên 2021 phải được công bố chậm nhất vào ngày 10/4/2022.

Tính đến thời điểm nêu trên, Vietnam Airlines đã quá thời hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, báo cáo thường niên 2021 và báo cáo tài chính quý I/2022.

Quỳnh Nga

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán