Vietjet (VJC) sẽ phát hành 54 triệu cổ phiếu VJC trước khi chốt quyền cổ tức tỷ lệ 20%

(Banker.vn) Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet, sàn: HoSE, mã chứng khoán: VJC) dự kiến hoàn tất việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ trước khi trả cổ tức. Số cổ phiếu dùng để trả cổ tức mới sẽ là 119,15 triệu đơn vị thay vì 108,32 triệu đơn vị như dự định ban đầu.
Vietjet muốn chào bán riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu với giá 135.000 đồng/CP, huy động gần 4.700 tỷ đồng

Vietjet vừa công bố tài liệu để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong thời gian từ 8h sáng ngày 30/9/2022 đến 17h ngày 11/10/2022. Theo đó, hãng hàng không tư nhân này dự kiến hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ tối đa 54,16 triệu cổ phiếu. Sau đó, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức dựa theo tổng số cổ phiếu mới là 595,77 triệu đơn vị. Như vậy, Vietjet sẽ phát hành 119,15 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 20%.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm nay, Vietjet dự định phát hành 108,32 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2021 rồi mới chào bán 54,16 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Tỷ lệ trả cổ tức là 20% còn tỷ lệ chào bán riêng lẻ là 10%.

Tuy nhiên với sự thay đổi như trên, số lượng cổ phiếu mà hãng hàng hàng không này sẽ phát hành thêm trong năm nay sẽ tăng thêm 10,83 triệu đơn vị lên 119,15 triệu cổ phiếu thay vì con số 108,32 triệu cổ phiếu ban đầu.

Vốn điều lệ của Vietjet ước tính tăng từ mức 5.416 tỷ đồng hiện nay lên 7.149 tỷ đồng sau khi chào bán riêng lẻ và trả cổ tức theo phương án mới, cao hơn mức 7.041 tỷ đồng theo phương án mà ĐHĐCĐ đã thông qua. Như vậy, vốn góp chủ sở hữu của DN này sẽ vẫn giữ vị trí thứ ba trong các hãng hàng không tại Việt Nam hiện nay.

Vietjet thay đổi phương án phát hành cổ phiếu
Vietjet thay đổi phương án phát hành cổ phiếu năm nay

Vừa qua, HĐQT Vietjet cũng thông qua nghị quyết về việc chào bán riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu cho 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với mức giá 135.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 15% so với giá đóng cửa phiên 12/9/2022.

Số cổ phần trên bằng 6,43% lượng đang lưu hành, sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời điểm thực hiện phát hành trong năm nay hoặc năm sau.

Về tiêu chí chọn nhà đầu tư, Vietjet sẽ chọn những tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư; nhà đầu tư tài chính trong nước hoặc nước ngoài. Ngoài ra, các tổ chức có hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh về công nghệ, logistic, dịch vụ, hàng không hoặc có khả năng hỗ trợ tài chính cho Công ty cũng sẽ được ưu tiên.

Với số tiền thu được dự kiến là 4.698 tỷ đồng, Công ty dự kiến sử dụng 1.136 tỷ đồng để mua tàu bay; 1.242 tỷ đồng để thuê, mua động cơ sửa chữa tàu bay và bổ sung 2.320 tỷ đồng bổ sung nguồn thanh khoản và vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II, Vietjet ghi nhận doanh thu 4.337 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp chịu lỗ gộp, song nguồn thu tài chính dồi dào từ lãi tiền gửi và thu nhập tài chính khác đã giúp Vietjet báo lãi gần 6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Vietjet đạt 8.386 tỷ đồng, giảm 23,5%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là 130,3 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ nhờ mức lợi nhuận cao trong quý I.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, cổ phiếu VJC có giá 112.900 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa xấp xỉ 60.000 tỷ đồng./.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán