VietinBank dự kiến chia cổ tức bằng nguồn lợi nhuận sau phân phối năm 2022

(Banker.vn) Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có thông báo liên quan đến Nghị quyết thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG).

Cụ thể, trong năm 2022, VietinBank ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2022 đạt 16.528 tỷ đồng, cùng khoản điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước đó là 86 tỷ đồng, theo đó lợi nhuận phân phối của ngân hàng này ghi nhận ở mức 16.442 tỷ đồng.

VietinBank dự kiến chia cổ tức bằng nguồn lợi nhuận sau phân phối năm 2022
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG).

Sau khi VietinBank trích quỹ bổ sung vốn điều lệ 822 tỷ đồng, trích quỹ dự phòng tài chính 1.644 tỷ đồng, trích quỹ khen thưởng và phúc lợi 2.327 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại của VietinBank ghi nhận ở mức 11.648 tỷ đồng. Theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng này sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Hiện vốn điều lệ của của VietinBank ở mức 53.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên hơn 65.300 tỷ đồng.

Trước đó tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình đã có kiến nghị tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.

Hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các Cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; Phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Trong năm 2023, Vietinbank cũng đã hoàn thành việc phát hành thêm hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 11,74% từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020. Sau đợt phát hành, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của Vietinbank tăng từ 4,8 tỷ cổ phiếu lên 5,37 tỷ cổ phiếu, theo đó vốn điều lệ tại VietinBank đã chính thức tăng lên 53.700 tỷ đồng, xếp Top 4 toàn ngành về vốn điều lệ (sau VPBank, BIDV và Vietcombank.

Về tình hình kinh doanh tại Vietinbank, trong quý IV/2023, các hoạt động kinh doanh của ngân hàng này có sự phân hoá không đồng đều. Trong đó, nguồn thu chính của ngân hàng này là lãi thuần ghi nhận tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14.072 tỷ đồng. Trong kỳ, Vietinbank ghi nhận khoản lãi hơn 82 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư trong khi quý IV/2022 lỗ nhưng ngược lại chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ hơn 157 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 76 tỷ đồng.

Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động của ngân hàng ghi nhận ở mức hơn 6.304 tỷ đồng, đi ngang so với năm ngoái. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại Vietinbank đạt hơn 12.171 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, với việc tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 4.472 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, do đó Vietinbank ghi nhận lãi trước thuế quý IV/2023 đạt 7.698 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ quý IV/2022.

Lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần tại ngân hàng này đạt 53.083 tỷ đồng, tăng 11%. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ tăng 22%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 19%. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh thu được gần 293 tỷ đồng tiền lãi trong khi năm trước lỗ hơn 100 tỷ đồng.

Trong năm, Vietinbank trích 25.115 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 6% so với năm trước, kết quả VietinBank lãi trước thuế đạt hơn 25.100 tỷ đồng, tăng 19%.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ngân hàng này vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 37% đạt 40.597 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 16% đạt 1,47 triệu tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tăng 13% so với đầu năm, lên hơn 1,41 triệu tỷ đồng. Tiền gửi và vay Chính phủ, NHNN giảm gần 80% còn 21.814 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng đến 86% đạt 259.892 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2023 tăng nhẹ 5% so với đầu năm, ghi nhận là 6.608 tỷ đồng. Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn giảm 66% xuống còn 2.507 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,24% đầu năm xuống còn 1,13%.

Giá vàng hôm nay 25/2/2024: Dư âm ngày vía Thần Tài, giá vàng biến động dữ dội trong tuần vừa qua

Trong tuần vừa qua, giá vàng liên tục đảo chiều biến động qua từng phiên giao dịch, dư âm của ngày vía Thần Tài dẫn ...

Giá vàng hôm nay 26/2/2024: Mua vàng “lấy may” lỗ nặng sau 1 tuần biến động

Sau gần một tuần giá vàng biến động, do chênh lệch giá mua và bán bị đẩy lên cao, ước tính người mua vàng lấy ...

Cao Hậu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán