Vietinbank đại hạ giá khoản nợ gần 1.500 tỷ đồng của Công ty Võ Thị Thu Hà

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) – Chi nhánh 7 TP. Hồ chí Minh đang phối hợp với tổ chức đấu giá chuyên nghiệp tiến hành các thủ tục đấu giá công khai khoản nợ của khách hàng để thu hồi nợ.

Cụ thể, Vietinbank muốn đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà (Công ty Võ Thị Thu Hà) do bà Võ Thị Thu Hà làm Giám đốc có địa chỉ tại 186 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Vietinbank đại hạ giá khoản nợ gần 1.500 tỷ đồng của Công ty Võ Thị Thu Hà
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG)

Được biết, khoản nợ này bao gồm toàn bộ dư nợ (dư nợ gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn) của khách hàng Công ty Võ Thị Thu Hà tại VietinBank Chi nhánh 7, Tp.Hồ Chí Minh phát sinh từ hai hợp đồng tín dụng được ký lần lượt tháng 10 và 11 năm 2013.

Tính đến hết ngày 31/10/2023, tổng giá trị khoản nợ đã lên đến hơn 1.494 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 567,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn là 623,8 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn 303 tỷ đồng.

Được biết, đảm bảo cho nghĩa vụ nợ trên hiện tại là các tài sản theo các Hợp đồng thế chấp còn hiệu lực gồm: 5 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước;

Ngoài ra còn 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp; hàng hóa thế chấp theo các hợp đồng thế chấp dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu nhập kho.

Theo đó, VietinBank đưa ra giá khởi điểm bán đấu giá của khoản nợ này chỉ 142 tỷ đồng, tương đương chỉ 10% giá trị khoản nợ. Tiền đặt trước tham gia đấu giá là 10% giá khởi điểm, tương đương 14,2 tỷ đồng.

Hình thức đấu giá là trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Phương thức trả giá lên với bước giá 50 triệu đồng. Ngân hàng lưu ý các khoản nợ được bán đấu giá theo nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy.

Người tham gia đấu giá có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ pháp lý khoản nợ và tự xác định tình trạng của khoản nợ, tình trạng tài sản bảo đảm của khoản nợ, giá trị ghi sổ của khoản nợ và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro xảy ra (nếu có) sau khi đấu giá thành công khoản nợ.

Ngoài thông tin liên quan đến khoản nợ do người có tài sản cung cấp, người tham gia đấu giá khoản nợ có trách nhiệm xem xét, tự tìm hiểu, tự xác định tình trạng pháp lý của khoản nợ.

Về tình hình kinh doanh của VietinBank, theo dữ liệu tài chính quý 3/2023, ngân hàng này ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.087 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối ghi nhận đạt 1.135 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 20 tỷ đồng và 13 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản lỗ này đã giảm so với cùng kỳ (cùng kỳ ghi nhận lỗ đến 136 tỷ đồng và 105 tỷ đồng).

Trong quý 3/2023, ViettinBank ghi nhận tổng chi phí hoạt động tăng gần 5% so với cùng kỳ, lên mức gần 5.082 tỷ đồng. Theo đó, do chi phí tăng nhanh hơn tổng thu nhập, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh của VietinBank giảm nhẹ, xuống còn 12.331 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VietinBank cắt giảm gần 1.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3 này, xuống còn 7.440 tỷ đồng.

Kết quả, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.871 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.895 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của VietinBank tăng 9,8% so với cùng kỳ, mang về hơn 38.500 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 30% và 43%.

Cùng với đó, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lãi hơn 200 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 80 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, VietinBank dành 20.642 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 11% so với cùng kỳ. Theo đó, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt hơn 17.400 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Hội đồng quản trị VietinBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 22.500 tỷ đồng.

Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2023, ngân hàng này đã hoàn thành được hơn 77% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm. Mức lợi nhuận trên cũng giúp VietinBank giữ vững vị trí Top 4 lợi nhuận ngành ngân hàng sau 9 tháng.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VietinBank mở rộng 4,4% so với thời điểm hồi đầu năm, ghi nhận ở mức hơn 1,88 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 8,7%, đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi của ngân hàng tăng 4,9% với 1,31 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 76% với 247.168 tỷ đồng. Tiền gửi và vay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giảm 80%, còn 21.577 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, tại thời điểm cuối quý 3, tổng nợ xấu của VietinBank ghi nhận ở mức 18.941 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thời điểm hồi đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng tương ứng từ 1,24% lên 1,37%, vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung các ngân hàng hiện nay.

Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ngân hàng này tăng tới 13%, lên 7.063 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ từ 188% về 172%.

Tại COP28, VietinBank cam kết dành nguồn lực tối đa cho phát triển bền vững

Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), trước sự ...

VietinBank trao thưởng 02 tỷ đồng cho khách hàng

Ngày 30/11/2023, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) trang trọng tổ chức Lễ trao thưởng Chương trình khuyến mãi (CTKM) “Bảo lãnh vàng ...

Vân Anh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục