VietinBank chốt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng trên 10%, triển vọng nào cho cổ phiếu CTG?

(Banker.vn) Trong phần còn lại của năm 2023, Công ty chứng khoán duy trì quan điểm VietinBank có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% với động lực chính từ chi phí vốn đầu vào sẽ bắt đầu giảm nhờ các khoản huy động giai đoạn năm 2022.

HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) vừa phê duyệt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 10,6% so với mức thực hiện năm 2022 là 20.352 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm 2023, VietinBank đã đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 12.150 tỷ đồng, theo đó đã thực hiện được 54% kế hoạch đề ra.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 được tổ chức vào tháng 4, ngân hàng này lên kế hoạch về các mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tín dụng và huy động. Tuy nhiên, VietinBank vẫn chưa có con số phê duyệt về lợi nhuận.

VietinBank chốt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng trên 10%, triển vọng nào cho cổ phiếu CTG?
Ảnh minh họa.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, VietinBank đặt kế hoạch mục tiêu năm 2023 với tăng trưởng tổng tài sản ở mức 5 - 10%, dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao, tăng trưởng huy động phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%, các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.

Cuối tháng 8 vừa qua, HĐQT VietinBank cũng đã phê duyệt việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2020.

Cụ thể, VietinBank dự kiến phát hành gần 564,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7415% (tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 117 cổ phiếu mới). Theo đó, sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ VietinBank sẽ tăng thêm gần 5.643 tỷ đồng, từ 48.057 tỷ đồng lên hơn 53.700 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý 3 – quý 4/2023.

Theo VietinBank, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỉ đồng lên 53.700 tỉ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.

Ngoài kế hoạch tăng vốn này, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Theo đó, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.

Về việc phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận riêng lẻ sau thuế là 16.379 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và hơn 2.300 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận còn lại là 11.521 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cổ phiếu CTG được đánh giá ra sao trong những tháng còn lại của năm 2023?

Đánh giá về tăng trưởng tín dụng của VietinBank, KBSV cho rằng, tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng trên 8% so với cuối năm 2022, tiếp tục cao hơn toàn hệ thống (5,33%).

Trong phần còn lại của năm 2023, KBSV duy trì quan điểm VietinBank có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% với động lực chính từ chi phí vốn đầu vào sẽ bắt đầu giảm nhờ các khoản huy động giai đoạn năm 2022. Tính đến thời điểm hiện tại, các gói vay doanh nghiệp kì hạn 9-12 tháng đang ở mức 8,9%.

Ngoài ra, VietinBank đã nhanh chóng triển khai chương trình cho vay tái tài trợ khi Thông tư 06/2023 có hiệu lực ngày 1/9/2023 quy định các ngân hàng được phép cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác và khoản nợ này không cần thiết phải là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh như trong Thông tư 39/2016.

Cụ thể, CTG hỗ trợ cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6%/năm (vay sản xuất kinh doanh); 7,5%/năm (vay tiêu dùng) với mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại của ngân hàng khác. Bên cạnh chi phí vốn giảm, KBSV kỳ vọng chương trình này sẽ tạo điều kiện cho VietinBank giảm lãi suất cho vay, nhờ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023.

Sau khi kết hợp 2 phương pháp định giá là P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư để tìm ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu CTG.

Với phương pháp định giá P/B KB điều chỉnh mức P/B dự phóng 2023 ở mức 1.33x tương đương trung bình P/B 5 năm của CTG, phản ánh tác động của tình hình kinh tế cải thiện và lợi thế về quy mô của CTG trong công cuộc cạnh tranh để thu hút khách hàng.

Với phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV kết hợp sử dụng thêm phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư để phản ánh rủi ro hệ thống và kỳ vọng dài hạn. Kết hợp hai phương pháp định giá trên với tỉ lệ 50-50 để ra được giá hợp lý cuối cùng cho cổ phiếu CTG cho năm 2023 là 36.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 30% so với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10/2023 (28.850đ/cp).

Loạt “ghế nóng” của các nhà băng “đổi chủ”

Thời gian gần đây, hàng loạt các ngân hàng có biến động nhân sự cấp cao như Eximbank, PG Bank, VIB, SCB, ABBank,... Các vị ...

Ngân hàng VIB sắp phát hành 20.000 tỷ đồng giấy tờ có giá

Ngày 29/9, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, HOSE: VIB) vừa công bố Nghị quyết 050.23.BOD của Hội đồng quản trị về việc ...

Ngân hàng LPBank thu về 4.200 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu riêng lẻ

Dù đưa ra kế hoạch, sẽ phát hành trái phiếu thành 5 đợt vào tháng 9 và tháng 10/2023 với tổng khối lượng là 4.500 ...

Thanh Tuấn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán