Vietcombank (VCB) báo lãi quý 2 tăng 25%, nợ xấu nhóm 3 và 4 tăng mạnh

(Banker.vn) Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.278 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 2, phần lớn mảng kinh doanh chính của Vietcombank đều ghi nhận tăng trưởng. Lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh chứng khoán ghi nhận đạt 1.622 tỷ đồng và 59 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng lần lượt 133% và gần 217% so với cùng kỳ năm trước.

Vietcombank (VCB) báo lãi quý 2 tăng 25%, nợ xấu nhóm 3 và 4 tăng mạnh
Nợ khó đòi đã xử lý của Vietcombank tính đến cuối quý 2 ghi nhận hơn 62.346 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận đạt gần 1.481 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. Trong khi, mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ gần 100 triệu đồng, lãi thuần hoạt động kinh doanh khác cũng giảm mạnh tới 70,7% xuống còn 258 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng trích hơn 2.536 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng. Kết quả, trong kỳ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank đạt 11.814 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. trong khi chi phí dự phòng rủi ro giảm 7,2%, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng này tăng 25% lên 9.278 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, nguồn thu chính của Vietcombank tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm trước, thu được gần 28.223 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Một số nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng như lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 6%, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp 2,5 lần.

Ở chiều ngược lại, lãi từ dịch vụ sụt giảm 10% xuống còn 3.079 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác giảm 2% xuống còn 1.341 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 61 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 85 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động tăng 6% lên mức 10.930 tỷ đồng do tăng chi phí cho nhân viên. Thêm vào đó, Ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro 9%, chỉ còn 4.558 tỷ đồng, do đó Vietcombank lãi trước thuế hơn 20.499 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của Vietcombank thu hẹp 6% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 12% xuống còn 16.134 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm đến 39% xuống còn 56.430 tỷ đồng, cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 50% xuống còn 20.475 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng nhẹ 3% lên gần 1,18 triệu tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 97%, xuống chỉ còn 2.270 tỷ đồng, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm 30% xuống còn 160,661 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 7% lên hơn 1.3 triệu tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá chỉ còn 16.323 tỷ đồng, giảm 36% so với thời điểm đầu năm.

Về chất lượng tài sản, nợ xấu của Vietcombank đã tăng 25% so với thời điểm cuối năm ngoái lên 9.783 tỷ đồng. Nợ xấu tăng vọt tại nhóm 3 và nhóm 4, trong khi đó sụt giảm ở nhóm 5, đưa tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ lên 0,83%, so với con số 0,68% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thuộc nhóm tương đối thấp, và chỉ bằng khoảng một nửa so với con số 1,5% mà Vietcombank đã lên mục tiêu trong năm 2023.

Nợ khó đòi đã xử lý của Vietcombank tính đến cuối quý 2 ghi nhận hơn 62.346 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCB diễn biến khá tích cực trong thời gian gần đây, đã có những phiên cổ phiếu này "gồng gánh" thị trường chung. Đặc biệt trong phiên giao dịch 26/7, cổ phiếu của Vietcombank bứt phá và là mã chủ chốt giúp sức đưa VN-Index vượt mốc 1.200 điểm kể từ ngày 26/9/2022. Cùng với đó, VCB là ngân hàng duy nhất có vốn hóa vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCB bứt phá sau khi ngân hàng này chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/7 để tiến hành chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại của năm 2019 và 2020. Ngoài ra, Vietcombank có kế hoạch phát hành khoảng 856,6 triệu cổ phiếu VCB với mục đích chi trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu VCB được thêm 181 cổ phiếu mới).

Vietcombank sẽ tăng vốn thêm khoảng 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng, vượt VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai trong hệ thống, đứng sau VPBank.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, cổ phiếu VCB đứng tại mốc 93.000 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,1 triệu đơn vị.

Điểm nhấn thị trường 25/7: Thanh khoản kỉ lục, "ngôi sao" VCB đưa VN-Index tiệm cận 1.200 điểm

Thị trường chứng khoán tiếp tục giữ vững xu hướng tăng trong phiên giao dịch 25/7. Mặc dù VN-Index tăng 5,18 điểm, tuy nhiên số ...

VCB cùng FPT tiếp tục "khai phá" đỉnh lịch sử

Cùng với đà tăng của VN-Index, 2 cổ phiếu nhóm VN30 là VCB và FPT cũng liên tục thiết lập đỉnh lịch sử...

Vietcombank chọn nhà thầu cung cấp bộ ứng dụng Microsoft Office 365 trị giá hơn 200 tỷ

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) vừa công bố Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT (UPCoM: HPT) ...

Minh Khang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán