Vietcombank trong tôi - một hành trình chạm đến ước mơ để yêu và sống trọn vẹn

(Banker.vn) - Hơn tất cả, trong những “job” ấy, tôi luôn tìm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được cống hiến trọn vẹn khả năng của mình cho Vietcombank, để từ đó cảm thấy sợi dây vô hình gắn bó tôi với mái nhà Vietcombank, với các đồng nghiệp càng thêm thắm thiết, bền chặt.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Vũ Thị Phương Thảo, công tác tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Trụ sở chính.

Tôi còn nhớ đã từng đọc được ở đâu một câu nói rằng: “Choose a job you love and you no longer have to work a day in your life” – “hãy chọn một công việc bạn yêu thích và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong đời mình”. Với tôi, cơ duyên nghề nghiệp ấy đã được gieo mầm từ thơ bé, và gắn bó với tôi hơn chục năm từ khi mới bước chân ra khỏi cổng trường Đại học.

Có một kỷ niệm tôi không thể quên là hồi nhỏ đi cùng mẹ ra ngân hàng gần nhà làm mấy thủ tục gửi tiền, được nhìn thấy các cô giao dịch viên mặc đồng phục, búi tóc, quàng khăn, tôi cảm thấy thật sự tò mò và thích thú với không gian lịch sự, nghiêm túc, tác phong nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp. Mẹ tôi bảo: “Sau này con cố gắng học rồi vào làm như các cô thì còn gì bằng!” Tôi đâu có biết rằng những hình ảnh thơ ngây và trong trẻo ấy đã trở thành cái đích đến cho tôi theo đuổi suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, đến những lần đi nộp hồ sơ, thi tuyển và trả lời phỏng vấn đến trày mình tróc vẩy.

Ngày đó, tụi sinh viên chúng tôi luôn nhìn Vietcombank như một “ông lớn trong BIG 4”, một nơi làm việc lý tưởng mà không có “quan hệ” thì chẳng bao giờ bước chân vào được. Với tấm bằng Ngoại Thương loại giỏi, Ielts 7.0, nhưng không có chút “quan hệ’’ nào, tôi vẫn cố gắng “rải” đơn cho Vietcombank đến năm lần bảy lượt mới có cơ hội đến được vòng phỏng vấn cuối cùng của kỳ thi tuyển nhân viên. Sau những giây phút chờ đợi hồi hộp đến tim đập chân run, tôi thấy mình đứng trước hội đồng giám khảo gồm 5 anh chị, ai cũng nhìn chằm chằm vào mình.

Đó quả là một kỷ niệm không thể quên khi chị Giám đốc Trung tâm hồi đó hỏi tôi: “Em ứng tuyển vị trí nhân viên Quản lý rủi ro nhưng nếu bị sếp giao cho làm công việc nghiệp vụ khác thì có được không?”, tôi đã không ngần ngại trả lời rằng: “Đối với mảng nghiệp vụ khác thì em chưa có kinh nghiệm, nhưng nếu được giao cho làm mảng này thì em sẽ học hỏi và nỗ lực hết sức để hoàn thành thật tốt”. Tôi cũng chẳng thể ngờ được rằng sau câu nói ấy, tôi đã chạm đến ước mơ của mình khi được trúng tuyển thành nhân viên chính thức của Vietcombank với vị trí cán bộ Quản lý rủi ro.

Và tinh thần ấy đã là kim chỉ nam cho tôi trong suốt 7 năm cho tới ngày hôm nay, trong cương vị của một cán bộ Phòng Quản lý rủi ro, cùng với 84 anh chị em trong mái nhà lớn của Trung tâm Quản lý vận hành bán lẻ. Từ những ngày đầu mới chân ướt chân ráo học việc, tôi còn nhớ trong đầu quay mòng mòng với việc không thể nhớ nổi và phân biệt được các loại thẻ, dù cố gắng tập trung nhưng đọc mãi cũng không thể vào đầu được những cuốn tài liệu về quy trình hướng dẫn nghiệp vụ, các quy định về tra soát thẻ của tổ chức thẻ quốc tế… Thêm cả các chương trình quản lý thẻ, nhìn các anh chị tiền bối bấm nhoay nhoáy mà muốn hoa cả mắt J.

Có những hôm, tôi phải dành cả buổi sáng để viết một bức thư trọng tài, sau khi đọc đến nhàu những trang chứng từ của giao dịch tra soát, những luật lệ của tổ chức thẻ quốc tế để làm sao bảo vệ tối đa được quyền lợi cho khách hàng, những đơn vị của Vietcombank. (Đôi lúc trên đường đi làm về, vừa lái xe tôi vừa tưởng tượng ra cảnh tôi là luật sư áo đen, đứng ra tranh cãi cho các bị cáo - khách hàng của Vietcombank - trước quan tòa là các tổ chức thẻ quốc tế J).  Niềm trăn trở ấy chỉ được chấm dứt sau vài tháng khi có kết quả từ trọng tài: vỡ òa sung sướng khi WIN, hay ấm ức muốn khóc khi LOST. Nhưng dù thắng hay thua, mỗi một lần “long tranh hổ đấu’’ ở chốn “công đường” như thế cũng thật sự là bài toán cân não, lao tâm khổ tứ mà trong đó, tôi học được vô vàn kinh nghiệm quý báu để làm cẩm nang trong hành trình gắn bó với nghiệp vụ bán lẻ của mình.

Sau khi “master’’ được những mảng việc chính ấy, tôi lại được thử thách thêm bản thân trong những đề án được giao. Đó quả là một mảng công việc khó khăn mà không có bất cứ quy trình hướng dẫn cụ thể nào có thể giúp cover hết được. Từ những tháng ngày xây dựng những nền móng đầu tiên, viết URD (bản mô tả yêu cầu người sử dụng) hàng chục trang, mà đọc đi đọc lại vẫn chưa ưng ý. Rồi phối hợp với các phòng ban khác cùng tổ chức thẻ quốc tế để xây dựng chương trình, thiết lập kịch bản và tiến hành test, nghiệm thu… Có những cuộc họp không phân biệt giờ làm, giờ nghỉ do chênh lệch múi giờ, những group đề án vẫn “nổ” tin nhắn dù là lúc đêm khuya… Đến lúc go live rồi, vẫn còn cảm giác lo lắng cho “đứa con đẻ” của mình, vẫn âm thầm kiểm tra, đối chiếu xem nó có “ngoan” không, chạy trơn tru hay mắc lỗi gì không… Vietcombank với tôi, là những tháng ngày sống và cống hiến hết mình như thế đó.

Nếu chỉ kể về những “lăn xả’’ trong nghiệp vụ, thật thiếu sót nếu không nhắc đến những cuộc thi - những mảng ngoài lề nhưng lại là cả kho kỷ niệm đối với những cán bộ Vietcombank chúng tôi. Nếu bạn đã từng là nhân vật chính trong một cuộc thi nào đó, bạn chắc hẳn sẽ biết sau hậu trường sân khấu là những tất bật, chạy đua tập dượt lo hậu kỳ như thế nào. Đó là những lần cả phòng túm tụm bên nhau cùng tập nhảy, tập hát, tập diễn kịch để tham gia những kỳ thi dù nhỏ hay lớn như: “nam hậu Trung tâm thẻ’’, “sáng tác video clip thể dục giữa giờ’’, “Tư tưởng Bác soi đường chúng con đi”…

Nhưng có lẽ một cuộc thi “còn nhắc đến lúc về hưu’’ với tôi là “Kỳ thi tay nghề nghiệp vụ Khối Bán lẻ’’. Thật may mắn là tôi đã lọt được vào vòng 3 của kỳ thi được tổ chức tại Đà Nẵng, và cũng thật “may mắn’’ hơn cho tôi là khi đó tôi vừa sinh bé thứ hai chỉ được 20 ngày. Đến ngày thi, cả đêm hôm trước vừa bế con vừa ôn bài, rạng sáng hôm đó, tôi đặt con ngủ rồi đáp chuyến bay sớm vào Đà Nẵng. Trong hành lý, ngoài tài liệu ôn thi, lỉnh kỉnh nào những máy vắt sữa, bình sữa, đá khô và túi trữ sữa. Lúc đó, tôi chẳng hề cảm thấy mệt mỏi hay nề hà chuyện sức khỏe mình mới vượt cạn cần kiêng cữ, mà chỉ lo lắng mình có cơ hội đại diện Trung tâm đi thi thì phải cố gắng hết sức thể hiện bản thân trước hơn 20000 cán bộ Khối Bán lẻ toàn hàng để phấn đấu có giải. Đến hôm nay, khi nhìn lại tấm bằng khen của kỳ thi hôm ấy và viết những dòng tâm sự này, tôi vẫn không khỏi xúc động và nghẹn ngào về quãng thời gian được sống, được cống hiến hết khả năng của mình vì màu xanh, vì sức trẻ Vietcombank trong tim.

Từ ấy cho đến tôi của hiện tại, một bà mẹ 2 con 33 tuổi với 11 năm tuổi nghề ngân hàng, đã trải qua đủ mọi “hỉ, nộ, ái, ố” chốn công sở và đủ trưởng thành để không còn mít ướt theo bản năng khi gặp khó khăn trong công việc. Giờ đây, tôi đã có một công việc ổn định mà tôi hằng mơ ước, một mái ấm gia đình hạnh phúc để trở về sau những bão dông. Tôi ấy, vẫn tiếp tục theo đuổi “the job I love’’ ngày ngày, với một đam mê không bao giờ tắt cho những công việc được giao, dù nhỏ bé hay to lớn, đơn giản hay phức tạp, để giữ vững niềm tin và góp phần xây dựng tương lai bền vững bên anh người yêu xanh lá ấy, một tình yêu chung thủy đến trọn đời. Hơn tất cả, trong những “job” ấy, tôi luôn tìm thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được cống hiến trọn vẹn khả năng của mình cho Vietcombank, để từ đó cảm thấy sợi dây vô hình gắn bó tôi với mái nhà Vietcombank, với các đồng nghiệp càng thêm thắm thiết, bền chặt. Và các bạn có biết không, niềm hạnh phúc nhất đối với tôi, đơn giản chỉ là vào một ngày nọ, cô con gái lớn của tôi nói với tôi rằng “Mẹ ơi, sau này con lớn, con cũng muốn trở thành cán bộ ngân hàng Vietcombank giống như mẹ!” J.

VŨ THỊ PHƯƠNG THẢO

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục