Vietcombank thay đổi Kế toán trưởng mới

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) vừa công bố quyết định thay đổi nhân sự vị trí Kế toán trưởng.

Theo đó, bà La Thị Hồng Minh, được bổ nhiệm vào vị trí Kế toán trưởng của Vietcombank kể từ ngày 7/12/2023, có hiệu lực trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

Theo thông tin từ Vietcombank, bà La Thị Hồng Minh sinh năm 1973, là cử nhân Kinh tế Học viện Ngân hàng, thạc sỹ Tài chính, lưu thông tiền tệ và tín dụng Đại học Kinh tế Quốc dân.

Vietcombank thay đổi Kế toán trưởng mới
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB)

Trước khi giữ chức Kế toán trưởng, bà Minh từng ở vị trí Trưởng phòng Giám sát hoạt động - Trụ sở chính Vietcombank.

Ở chiều ngược lại, Vietcombank cũng thông qua quyết định miễn nhiệm đối với bà Lê Thị Huyền Diệu, người phụ trách Kế toán của Vietcombank, thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Kế toán trưởng. Ngày bắt đầu có hiệu lực là từ hôm nay 7/12.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 24/11, Vietcombank đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028 đối với bà La Thị Hồng Minh để bố trí công tác khác. Số lượng thành viên Ban Kiểm soát Viecombank sau khi miễn nhiệm bà Minh là 3 thành viên.

Cùng ngày 24/11, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc, đã được miễn nhiệm và bầu vào vị trí Thành viên HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Như vậy, sau khi bầu bổ sung thành viên, HĐQT Vietcombank đã có tổng cộng 10 người, bao gồm Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng và 9 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Viecombank, ông Shojiro Mizoguchi – Phó Tổng Giám đốc;

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào, ông Hồng Quang, ông Đỗ Việt Hùng, 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Trương Gia Bình và ông Vũ Viết Ngoạn và mới đây nhất là bà Nguyễn Thị Kim Oanh.

Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu tài chính quý III/2023, Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 12.596 tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm này là do thu nhập từ lãi tăng 32,6% trong khi chi phí lãi tăng tới gần 75%.

Trong kỳ, lãi thuần từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối ghi nhận giảm lần lượt 19,2% và 0,4% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn lần lượt 891 tỷ đồng và hơn 1.581 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các mảng khác như mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư có ghi nhận sự cải thiện so với quý III/2022. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng 33,7% mang về hơn 520 tỷ đồng. Lãi từ góp vốn, mua cổ phần cũng tăng 15,2% đạt gần 147 tỷ đồng.

Theo đó, mặc dù tổng thu nhập từ hoạt động giảm 5,6% xuống chỉ còn 15.777,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm mạnh gần 18% chi phí hoạt động khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank vẫn duy trì tăng trưởng 1,9% so với cùng kỳ, ghi nhận đạt gần 10.545 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong quý III/2023, Vietcombank cũng cắt giảm đến hơn 46% chi phí dự phòng rủi ro, xuống chỉ còn 1.284 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng này vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 19,6%, ghi nhận đạt hơn 9.051 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.274 tỷ đồng, tăng gần 20% so với quý III/2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Vietcombank đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tối thiểu đạt 42.973 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15% so với thực hiện năm 2022.

Như vậy, nhà băng này đã thực hiện được gần 69% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu của cả năm 2023 sau 9 tháng đầu năm.

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vietcombank giảm 4,5%, ghi nhận đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng khiêm tốn 3,9% trong khi số dư tiền gửi có mức tăng trưởng gấp đôi 8,5%.

Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng vọt 84% so với thời điểm hồi đầu năm, ghi nhận ở mức 14.393 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 0,68% ở cuối năm trước lên mức 1,21%, con số này vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung các ngân hàng hiện nay.

Trong đó, nợ từ nhóm 2 đến nhóm 4 của ngân hàng lại tăng mạnh trong khi nợ nhóm 5 giảm 14%. Cụ thể, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng 87,5% trong khi nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) gấp 7,1 lần; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp 7,3 lần con số cuối năm trước.

Tuy nợ xấu tăng nhưng trong ba quý đầu năm, Vietcombank cũng tăng mạnh bộ đệm dự phòng rủi ro thêm gần 57% với 38.872 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 270%, đã giảm so với ngưỡng 385% vào cuối quý II nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân ngành.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 14h30 phiên giao dịch ngày 7/12, cổ phiếu VCB đang dao động quanh mức giá 86.000 đồng/cp, tăng khoảng 7% so với thời điểm hồi đầu năm.

Một “ông lớn” ngân hàng cổ phần vừa đưa lãi suất tiết kiệm về thấp ngang với Vietcombank

Techcombank vừa đưa lãi suất tiết kiệm tại quầy về mức thấp nhất là 4,75%/năm, tương đương với một “ông lớn” trong nhóm Big4 là ...

Xếp dỡ Hải An (HAH) muốn vay ngân hàng hơn 334 tỷ đồng để đóng tàu mới

Vận tải và Xếp dỡ Hải An mới thông qua việc vay vốn và thế chấp tài sản tại Vietcombank với số tiền vay không ...

Thùy Chi (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục