Vietcombank giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận, nợ xấu tăng gấp đôi đầu năm

(Banker.vn) Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn ngành, xét trong số các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh quý III cho đến hiện tại. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng cũng tăng vọt lên 10.884 tỷ đồng gấp đôi so với đầu năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 vừa công bố, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Qua đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn ngành, xét trong số các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh quý III cho đến hiện tại.

Trong kỳ, thu nhập lãi của Vietcombank đạt 31.606 tỷ đồng, tăng 22,3% so với 9 tháng đầu năm ngoái; thu ngoài lãi đạt 10.236 tỷ đồng, tăng 16,7%.

Thu ngoài lãi của ngân hàng đóng góp chủ yếu từ mảng dịch vụ đóng với 4.994 tỷ đồng (tăng 41,1%), mảng kinh doanh ngoại hối với 3.202 tỷ đồng (tăng 8,1%).

Bên cạnh đó, do Vietcombank không thanh lý các khoản đầu tư góp vốn, mua cổ phần nào trong ba quý đầu năm, nên thu nhập từ hoạt động này giảm hơn 76% so với cùng kỳ xuống còn 98,7 tỷ đồng.

Với tổng thu nhập hoạt động tăng 20,9% lên 41.842 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động tăng 15,2% lên 14.518 tỷ đồng, tỷ lệ CIR của Vietcombank đã giảm từ mức 36,4% xuống 34,7%.

Trong 9 tháng, ngân hàng đã trích 8.013 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng rủi ro.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2021 của VCB

Tính tới 30/9/2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm.

Mặc dù dư nợ cho vay khách hàng đã tăng 11,5% trong kỳ lên 936.343 tỷ đồng, tuy nhiên, nợ xấu lại tăng mạnh 108,1% lên 10.884 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng nhảy vọt từ mức 0,62% hồi đầu năm lên 1,16% cuối quý III/2021.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) đã tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp 14 lần lên 3.122 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 44,7% lên 6.279 tỷ đồng.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã giảm từ mức 367,9% xuống còn 242,8%, dù vậy vẫn nằm trong nhóm cao nhất toàn nhành.

Về nguồn vốn, số dư tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm đã tăng 7,4% lên gần 1,11 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 12,9% lên 346.860 tỷ đồng (chiếm 31,3%), tiền gửi có kỳ hạn tăng 4,9% lên 727.879 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCB của Vietcombank hiện đang mở mức 98.000đ/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu VCB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Mới đây, HĐQT Vietcombank đã phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 theo phương án đã được thông qua ĐHĐCĐ thường niên 2021.

Theo đó, Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua hai cấu phần. Thứ nhất, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ gần 308 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư.

Thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành. Giá phát hành sẽ không thấp hơn bình quân giá đóng cửa của 10 phiên gần nhất trước ngày nhà đầu tư thông báo mua. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên hơn 50.401 tỷ đồng.

Lưu Lâm (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán