Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất cho vay VNĐ

(Banker.vn) Vietcombank quyết định giảm lãi suất tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VNĐ cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Nới thêm “room” tín dụng, liệu điểm nghẽn dòng tiền có được gỡ bỏ?

Chiều tối ngày 24/11, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) phát đi thông tin về việc giảm lãi suất cho vay.

Vietcombank cho biết, trong năm 2020 và 2021, để hỗ trợ và chia sẻ cùng khách hàng trước những khó khăn của dịch Covid-19, ngân hàng đã đi đầu trong việc thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ dành cho khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân.

Vietcombank bất ngờ giảm đồng loạt lãi suất cho vay VNĐ của khách hàng. Ảnh minh họa
Vietcombank bất ngờ giảm đồng loạt lãi suất cho vay VNĐ của khách hàng. Ảnh minh họa

Năm 2022, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế, Vietcombank tiếp tục triển khai Chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Theo đó, ngân hàng Vietcombank đã quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay VNĐ cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022.

Vietcombank cũng lưu ý, chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….

Vietcombank cho rằng, đây sẽ là những hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.

Mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trước đó, sau 2 đợt tăng lãi suất điều hành của NHNN, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh tăng. Cập nhật đến ngày 24/11, lãi suất huy động cao nhất đang được niêm yết là 11,1%/năm, áp dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tại nhiều ngân hàng khác, lãi suất huy động cao nhất cũng dao động từ 9 đến 10%/năm như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)...

Lãi suất cơ sở theo đó cũng được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lên trên 10%/năm. Lãi suất cơ sở là dấu mốc để ngân hàng tính lãi suất cho vay với công thức tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%/năm.

Với biểu lãi suất cơ sở hiện tại, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã tăng mạnh lên trên mức 10%/năm, thậm chí còn lên tới 15-16%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên.

Thu Thủy (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán