Vietcombank được "ưu đãi" gì khi nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng?

(Banker.vn) Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Ngân hàng TCMP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) cho biết ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Vietcombank cho biết mục tiêu đặt ra là hỗ trợ từng bước tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.

Về mặt lợi ích, Vietcombank sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng và mạng lưới,… và có thể nhập sáp nhập hoặc tiếp tục duy trì TCTD như một ngân hàng con hoặc bán cho nhà đầu tư mới.

Một trong những nguyên tắc quan trọng được ngân hàng đề cập khi nhận chuyển giao bắt buộc là chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của Vietcombank sẽ không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng và độc lập với kết quả kinh doanh của TCTD trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với Vietcombank.

Vietcombank cũng sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD này còn luỹ kế. Đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao.

Vietcombank sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Với việc tham gia chuyển giao bắt buộc, Vietcombank và TCTD được chuyển giao sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định của Luật các TCTD và các quy định khác có liên quan.

Đối với TCTD được chuyển giao, tổ chức này sẽ nhận được khoản vay đặc biệt lãi suất 0% từ NHNN, được cấp lại giấy phép hoạt động.

Trong thời gian chuyển giao, TCTD sẽ không phải áp dụng các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm và thực hiện theo phương án chuyển giao bắt buộc, có thể thực hiện vượt kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm phù hợp với mục tiêu của phương án chuyển giao bắt buộc.

TCTD cũng không phải trích lập dự phòng chung đối với các khoản dư nợ mua từ Vietcombank (nếu có) theo phương án.

Đồng thời, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mua trái phiếu của TCTD phát hành với lãi suất tương đương với lãi suất trái phiếu KBNN cùng kỳ hạn.

Vietcombank được ưu tiên cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Vietcombank với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan, cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm, tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian TCTD chưa hết lỗ luỹ kế.

NHNN sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Vietcombank được phép trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn (trong các năm xử lý lỗ luỹ kế của TCTD).

Ngân hàng được phát hành trái phiếu dài hạn cho BH Tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, được mở thêm chi nhánh/PGD trên các địa bàn với số lượng tối thiểu bằng NHTM có vốn nhà nước có số chi nhánh/ PGD thấp nhất trên địa bàn.

Vietcombank không phải áp dụng các điều kiện hạn chế trong giao dịch với TCTD nhận chuyển giao bắt buộc với tư cách là một ngân hàng con của Vietcombank, các giao dịch tài sản có với TCTD được áp dụng hệ số rủi ro bằng 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

Thu Thuỷ

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán