Phóng viên: Xin ông cho biết, tình hình triển khai thực hiện Thông tư 14/2021/TT-NHNN (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) của Vietcombank kể từ khi được NHNN ban hành và có hiệu lực (ngày 7/9/2021) đến nay?.
Ông Phạm Mạnh Thắng: Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 trong năm 2021, NHNN đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN (Thông tư 14) sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, theo đó mở rộng đối tượng khách hàng được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng hành cùng các tổ chức tín dụng trong việc tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong năm 2021 giảm áp lực tài chính và từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở quy định tại Thông tư 14, Vietcombank đã ban hành các văn bản nội bộ hướng dẫn các đơn vị trên toàn hệ thống triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Các đơn vị trong hệ thống Vietcombank đã và đang tích cực triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định. Số lượng khách hàng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 14 của từng ngân hàng phụ thuộc chất lượng danh mục khách hàng, danh mục các khoản nợ đồng thời chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của dịch và tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại từng địa phương.
Kể từ thời điểm NHNN ban hành Thông tư 14 đến ngày 22/10/2021, Vietcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khoảng trên 2.000 khách hàng.
Phóng viên: Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, ngoài thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư 01, Thông tư 14… Vietcombank sẽ có thêm các giải pháp gì, thưa ông?
Ông Phạm Mạnh Thắng: Ngoài việc thực hiện các quy định tại Thông tư 01, Thông tư 14, Vietcombank đã, đang và sẽ triển khai hàng loạt các loạt các giải pháp về giảm lãi, giảm phí, đồng thời triển khai các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ các địa phương và ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19: i) Liên tục triển khai các chương trình/chính sách ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay vốn mới tại Vietcombank ở cả mục đích tiêu dùng và kinh doanh; ii) Áp dụng các chính sách miễn, giảm phí cho các nhóm đối tượng khách hàng theo chính sách của Vietcombank; Giảm lãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 theo các tiêu chí xác định của Vietcombank.
Trong năm 2020, Vietcombank đã triển khai tổng cộng 5 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với mức giảm lãi suất lên đến 1%/năm. Sang đến năm 2021, đứng trước làn sóng COVID-19 mà đặc biệt là biến chủng Delta với tác động nhanh và nặng nề hơn các làn sóng COVID trước đó, ngay từ đầu năm, Vietcombank đã liên tục triển khai 4 đợt giảm lãi suất đối với doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, trong đó gồm 2 chính sách đang còn hiệu lực, bao gồm:
Thứ nhất, chính sách hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021 giai đoạn 3, triển khai từ ngày 15/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Cụ thể: giảm lãi suất 1%/năm cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu của doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh và cho cá nhân vay sản xuất kinh doanh và giảm 0,5%/năm cho dư nợ vay của các khách hàng còn lại.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021 giai đoạn 4, triển khai từ ngày 18/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Cụ thể: giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, và giảm 0,3%/năm cho dư nợ của doanh nghiệp và người dân tại các tỉnh/thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Dưới tác động mạnh của đợt dịch thứ 4, rất nhiều địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16 dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong giao dịch trực tiếp với ngân hàng. Nắm bắt được nhu cầu đó, thời gian qua, Vietcombank đã đẩy mạnh triển khai các kênh giao dịch điện tử cũng như giao dịch qua email để tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.
Bên cạnh đó, các chương trình an sinh xã hội, ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19, tài trợ chi phí trong công tác phòng chống dịch bệnh cho các các bệnh viện lớn, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể, địa phương trên cả nước cũng luôn được Ban Lãnh đạo Vietcombank quan tâm triển khai nhằm thể hiện trách nhiệm của ngân hàng hàng đầu Việt Nam đối với xã hội.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Hải (Thực hiện)
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|