Vietcombank cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua giao dịch điện tử dịp cao điểm cuối năm

(Banker.vn) Nhằm hỗ trợ khách hàng có các trải nghiệm tốt nhất, an toàn nhất khi giao dịch trên các kênh trực tuyến, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) thường xuyên duy trì các hình thức hướng dẫn cách thức giao dịch an toàn, đúng cách cũng như cảnh báo các hình thức lừa đảo cho khách hàng.

Tuy nhiên, cùng với việc khàng hàng ngày càng tin tưởng và tăng cường giao dịch trên các kênh trực tuyến vì sự nhanh chóng, đơn giản và chủ động vượt trội thì các đối tượng tội phạm cũng liên tục gia tăng các thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức khác nhau để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Những tháng cuối năm là mùa mua sắm của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là các giao dịch điện tử, mua sắm trực tuyến tăng cao đột biến. Đây cùng là thời điểm gia tăng hoạt động của nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao nhằm tiến hành các hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho các khách hàng và ngân hàng.

Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, Vietcombank khuyến cáo khách hàng một số thủ đoạn lừa đảo và lấy cắp thông tin như sau:

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt thông tin khách hàng

  • Website lừa đảo: Đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân/người quen và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo (thường giả mạo website ngân hàng, website công ty chuyển tiền quốc tế …) và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc dịch vụ thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, CVV/CVC-mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).

  • Fanpage lừa đảo: Đối tượng lừa đảo lập fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng/tổ chức cung cấp dịch vụ Ví điện tử. Các fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ fanpage chính thức. Đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn sản phẩm dịch vụ và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dung đen.

  • Tin nhắn lừa đảo: Đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng/đơn vị khác gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng và yêu cầu khách hàng click vào đường link giả mạo... và yêu cầu người nhận thực hiện cung cấp thông tin trên website giả mạo, từ đó tội phạm đánh cắp thông tin này để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản.

  • Thư điện tử lừa đảo: Tội phạm lập địa chỉ email giả mạo ngân hàng, gửi cho khách hàng yêu cầu cung cấp/xác thực thông tin tài khoản ngân hàng. Khách hàng truy cập vào link giả mạo đính kèm trong email và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc dịch vụ thẻ.

Nguyên tắc ghi nhớ: Vietcombank không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu Khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.

Thủ đoạn lừa đảo để khách hàng tự chuyển tiền

  • Mạo danh nhân viên bưu điện: Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho.

  • Mạo danh cơ quan công an, tòa án: Đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra.

  • Mạo danh nhân viên ngân hàng, công ty lớn: Đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng/ nhân viên các công ty lớn (như công ty viễn thông)/ nhân viên tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử thông báo khách hàng trúng thưởng, và yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để nhận thưởng.

Nguyên tắc ghi nhớ: Khách hàng cần thận trọng xác định chính xác thông tin của người liên hệ. Không thực hiện chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Đồng thời, báo cho cơ quan Công an/cơ quan chức năng nơi gần nhất nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ.

Vietcombank khuyến nghị khách hàng tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Không tiết lộ thông tin định danh cá nhân  

  • Chỉ đăng nhập qua các thiết bị đáng tin cậy.  

  • Không nên sử dụng các thông tin cá nhân cơ bản để đặt mật khẩu. Đổi mật khẩu theo định kỳ tối thiểu ba tháng một lần hoặc khi bị lộ/nghi ngờ bị lộ.

  • Để đăng nhập vào dịch vụ VCB Digibank, hãy truy cập vào website chính thức của Vietcombank và chọn mục Ngân hàng số.

  • Đăng xuất ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch hoặc khi không sử dụng.

  • Trường hợp không thực hiện giao dịch trên VCB Digibank nhưng vẫn nhận được thông báo từ Vietcombank về: Mã OTP; Thay đổi số dư bất thường; Kích hoạt ứng dụng trên thiết bị khác; Liên kết ví điện tử… Quý khách không cung cấp OTP cho bất cứ ai dưới bất kỳ hình thức nào và thông báo ngay cho Vietcombank.

Vui lòng tham khảo đầy đủ các thông tin về Hướng dẫn giao dịch an toàn trên website của Vietcombank tại đây.

Trường hợp phát hiện ra có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, bị tin tặc hoặc nghi ngờ bị tin tặc tấn công, khách hàng thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

  1. Khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến.

  2. Đổi mật khẩu của dịch vụ đang bị kẻ gian tìm cách lấy cắp thông tin.

  3. Gọi điện ngay cho Vietcombank theo số hotline 24/7: 1900 545413

  4. Nếu trong giờ hành chính, khách hàng có thể đến ngay các điểm giao dịch ngân hàng để được trợ giúp

  5. Trình báo với Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc theo hướng dẫn tại Mục tố giác tội phạm trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn).

H.Q

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục