Vietbank (VBB) tăng vốn điều lệ lên 5.780 tỷ đồng sau đợt chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu

(Banker.vn) Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ.

Theo đó, Vietbank sẽ chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21%. Tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới.

Vietbank (VBB) tăng vốn điều lệ lên 5.780 tỷ đồng sau đợt chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB).

Giá cổ phiếu bán ra trong đợt này sẽ bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Trong vòng 90 ngày kể từ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép chào bán, Vietbank phải thực hiện phân phối số cổ phiếu đã đăng ký. Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt.

Sau đợt phát hành lần này, Vietbank sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thực hiện đúng lộ trình tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông và Ngân hàng Nhà nước thông qua. Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp Vietbank nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt khi Vietbank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.

Bên cạnh đó, việc tăng vốn sẽ giúp gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, qua đó tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.

Trước đó vào ngày 25/7/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận cho Vietbank tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ số vốn 1.003 tỷ đồng thu về dự kiến được sử dụng cho việc kinh doanh, đầu tư trái phiếu, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh và sinh lời cho Vietbank.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần tại Vietbank giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 1.276 tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu nhập lãi cho vay và giảm thu lãi từ kinh doanh chứng khoán nợ.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm như lãi từ dịch vụ giảm 5%; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 8%, lãi từ chứng khoán đầu tư giảm 32% và lãi từ hoạt động khác giảm đến 52%.

Cùng với chi phí hoạt động tăng nhẹ và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 32%, còn hơn 507 tỷ đồng, kết quả, sau 9 tháng ngân hàng lãi trước thuế gần 419 tỷ đồng, giảm 22% và hoàn thành 44% kế hoạch năm (960 tỷ đồng).

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của ngân hàng này tăng 10% so với đầu năm, lên mức 125.079 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 34% lên 2.389 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng đến 60%, đạt 27.687 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 12% lên 71.241 tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng tăng 13% so với đầu năm, lên 85.847 tỷ đồng. Vietbank phát hành giấy tờ có giá 10.111 tỷ đồng, tăng 97% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi.

Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu sau 9 tháng đầu năm của Vietbank ở mức gần 2.891 tỷ đồng, tăng 24% so với thời điểm hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều tăng mạnh lần lượt 143% và 65%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3,65% hồi đầu năm lên 4,06%.

Gánh nặng nợ xấu tăng cao khiến BaoVietBank “bốc hơi” gần hết lợi nhuận quý III

Mặc dù hầu hết hoạt động kinh doanh đều ghi nhận kết quả tích cực nhưng do áp lực nợ xấu tăng cao buộc BaoVietBank ...

Vietbank báo lãi quý III lao dốc 67%, nợ xấu tăng 24%

Quý III/2023, mặc dù đã cắt giảm một nửa chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nhưng do kết quả kinh doanh sa sút, ...

Thùy Chi (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục