Việt Nam xuất khẩu gần 166 tỷ USD hàng hóa sang thị trường châu Á - châu Phi

(Banker.vn) Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Á - châu Phi năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, tăng 14,62% so với 2020, chiếm 50,2% xuất khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới.

Bộ Công thương cho biết, khu vực thị trường châu Á - châu Phi đang giữ một vai trò quan trọng, là trụ cột lớn đóng góp vào thành công của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 670 tỷ USD trong năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Á – châu Phi năm qua đạt 444 tỷ USD, tăng 22,38% so với năm 2020, đóng góp 67,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường châu Á – châu Phi năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD, tăng 14,62% so với năm 2020, chiếm 50,2% xuất khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới.

Các nhóm hàng có kim ngạch lớn bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (ước đạt 32,29 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước đạt 27,32 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (ước đạt 13 tỷ USD), hàng dệt may (ước đạt 10,6 tỷ USD).

Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần vào sự tăng trưởng tích cực của xuất khẩu của Việt Nam.

Ước kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này năm 2021 lần lượt là 56 tỷ USD tăng 14,51%, 21,7 tỷ USD tăng 13,61%, 19,8 tỷ USD 3%, 28,6 tỷ USD tăng 23,6%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực thị trường châu Á – châu Phi năm 2021 đạt 278,35 tỷ USD, tăng 27,52% so với năm 2020, chiếm 84,3% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

Theo Bộ Công thương, nhập khẩu từ khu vực châu Á – châu Phi góp phần đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (ước 64,7 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (ước đạt 40,7 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (ước đạt 20,7 tỷ USD), vải các loại (ước đạt 13,7 tỷ USD), sắt thép các loại (ước đạt 10,7 tỷ USD), chất dẻo nguyên liệu (ước đạt 10,39 tỷ USD)…

Năm 2022, thương mại của Việt Nam với các thị trường trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn là trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu khi liên tục xuất hiện những biến thể mới làm gia tăng tình trạng lây lan, thách thức nỗ lực tiêm chủng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa của khu vực sản xuất và người tiêu dùng có thể phục hồi ở mức trước đại dịch, nhưng khó có sự tăng trưởng đột biến.

Nhiều thị trường tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm soát người và hàng hóa ngặt nghèo tại các cửa khẩu và cảng biển…

Trước những thách thức như vậy, Bộ Công thương cho hay sẽ tiếp tục quán triệt, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ về việc đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, không ngừng mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung từ thị trường nhập khẩu, tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường khu vực châu Á – châu Phi.

Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thương mại song phương và hợp tác tiểu vùng của Việt Nam với các đối tác trong khu vực nhằm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu hướng tới mục tiêu phát triển thương mại bền vững của Việt Nam.

Tiến hành giao thiệp ở các cấp với các đối tác nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động thương mại thông suốt, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Thúc đẩy thực thi hiệu quả các FTAs đã ký như ACFTA, VKFTA, VJEPA, RCEP, CPTPP… Tích cực khai thác các cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước trong RCEP khi hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn tiếp cận thị trường, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức về phát triển thị trường chủ lực, mở rộng thông tin về các thị trường mới, thị trường ngách.

Nâng cao năng lực của doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, và chủ động nghiên cứu đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ/Chi nhánh thương vụ và Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại thị trường nước ngoài kịp thời thông tin về tình hình thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

baodautu.vn
Theo Báo Công Thương
Theo: Báo Công Thương