Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng trong khu vực châu Á trong năm 2021

(Banker.vn) Bất chấp những thách thức chưa từng có, Việt Nam đã vượt ra khỏi khủng hoảng dịch bệnh một cách mạnh mẽ. Có thể nói, cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật thế mạnh của Việt Nam như một nền kinh tế và một cơ sở sản xuất linh hoạt, đồng thời tiếp tục cho phép Việt Nam giữ vững vị trí ngôi sao sáng của khu vực trong năm 2021.

Nhận định trên vừa được HSBC đưa ra trong báo cáo “Dự báo kinh tế châu Á: Sự phục hồi”. Trong báo cáo các chuyên gia của HSBC cũng đưa ra nhận định, năm Tân Sửu 2021 hứa hẹn sẽ mang đến một sự phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp tại khu vục châu Á. Tuy nhiên, những tác động lâu dài do đại dịch gây ra đòi hỏi cần có sự hỗ trợ thường xuyên về mặt tài chính và tiền tệ. Ngay cả khi lạm phát vẫn còn được kiềm chế ở mức tương đối, các ngân hàng trung ương sẽ rất cảnh giác với giá tài sản cao ngất.

Ngôi sao sáng trong khu vực

Báo cáo của HSBC nhận định: “Bất chấp những thách thức chưa từng có, Việt Nam đã vượt ra khỏi khủng hoảng dịch bệnh một cách mạnh mẽ”. Với dân số hơn 95 triệu người, Việt Nam đã xoay sở để san bằng đường cong COVID-19 sớm hơn nhiều và duy trì tổng số ca nhiễm ở quanh mức 1.400 nhờ các nỗ lực ngăn chặn nhanh chóng và hiệu quả của các cơ quan nhà nước. Dù làn sóng dịch bệnh lần hai quay lại và tồn tại ngắn ngủi vào cuối tháng 7/2020 nhưng sự phục hồi của Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng.

“Cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật thế mạnh của Việt Nam như một nền kinh tế và một cơ sở sản xuất linh hoạt, đồng thời tiếp tục cho phép Việt Nam giữ vững vị trí ngôi sao sáng của khu vực”, HSBC nhấn mạnh.

HSBC đánh giá, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2020 đạt 2,6% so với cùng kỳ năm trước và vẫn đang trên đà phục hồi vững chắc, một phần nhờ vào lĩnh vực bên ngoài có khả năng phục hồi. Mặc dù không tăng trưởng trong sáu tháng đầu năm nhưng xuất khẩu đã tăng 11% so với cùng kỳ trong quý III/2020 do nhu cầu đối với các đơn hàng liên quan đến máy tính tăng cao, bù đắp cho sự yếu kém của mảng sản xuất truyền thống. Số liệu thường kỳ gần đây cũng cho thấy đà phục hồi đang diễn ra, đặc biệt là với các đơn hàng xuất khẩu điện thoại, do chu kỳ điện thoại thông minh kéo dài.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Các chỉ số chuyển động của Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ nhất trong khu vực ASEAN, dẫn đến tiêu dùng cá nhân phục hồi. Mặc dù làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đã làm giảm tốc độ phục hồi nhưng một khi dịch bệnh được kiềm chế, doanh số bán lẻ vẫn tiếp tục đà tăng một cách mạnh mẽ. Điều đó cho thấy, thị trường lao động mềm vẫn là một mối quan tâm.

“May mắn thay, sự phục hồi nhờ vào các yếu tố khách quan cuối cùng cũng đã đến được với được người tiêu dùng, cho phép nối lại câu chuyện tăng trưởng trên diện rộng”, báo cáo viết.

Bước sang năm 2021, HSBC tin rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết. Tuy vậy, ngân hàng này cũng hạ nhẹ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống còn 7,6% (trước đó: 8,1%) vì sự phục hồi của ngành du lịch bị kéo dài.

Những vấn đề về chính sách

Theo HSBC, dù Việt Nam nổi lên mạnh mẽ từ dịch COVID-19 so với các nước khác nhưng nền kinh tế của Việt Nam cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Mặc dù không thể thực hiện các gói kích thích tài khóa lớn nhưng Việt Nam đã đưa ra một số hỗ trợ có mục tiêu và ngắn hạn trị giá 4,6% GDP vào năm 2020.

Vào giữa tháng 11/2020, Quốc hội đã thông qua gói giải cứu 12 nghìn tỷ đồng cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, bao gồm tăng vốn 8 ngàn tỷ đồng và cho vay ưu đãi 4 ngàn tỷ đồng. Bộ Tài chính Việt Nam cũng đề xuất gia hạn giảm 30% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay đến năm 2021, nhằm hỗ trợ hơn nữa lĩnh vực hàng không.

“Chúng tôi kỳ vọng thâm hụt tài khóa của Việt Nam năm 2020 ở mức 5,2% GDP vào năm 2020. Bước sang năm 2021, thâm hụt tài khóa sẽ cải thiện ở mức 4,6% GDP, đưa nợ công xuống dưới 60% GDP”, HSBC kỳ vọng.

Cũng theo HSBC, với cơ hội thực hiện các chính sách tài khóa bị hạn chế, chính sách tiền tệ đã làm hầu hết các nhiệm vụ nặng nề để thúc đẩy tăng trưởng. Có thể kể đến như động thái cắt giảm 0,5% lãi suất tái cấp vốn vào ngày 30/9/2020, đưa mức lãi suất tái cấp vốn xuống còn 4% từ ngày 1/10/2020. Tầm quan trọng của việc cắt giảm lãi suất cho thấy NHNN khá cấp bách trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020 của Chính phủ nằm khoảng 2,5-3%.

Với các dự báo kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh mẽ trong những quý tới, HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ chính sách tiền tệ ổn định cho đến quý II/2022, trước khi có thể đưa ra mức tăng lãi suất 0,25% vào quý III/2022, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 4,25% đến cuối cuối năm 2022.

Sự phục hồi sẽ tăng cường và mở rộng

Những con số trên tiêu đề không nói lên được vấn đề. Khó khăn kinh tế đã đeo bám nhiều nơi, ngay cả ở những khu vực châu Á vốn đã tương đối ổn định. Cuối cùng, với tin mừng vắc-xin đang được triển khai, sự phục hồi sẽ tăng cường và mở rộng.

Tuy nhiên, như các chuyên gia kinh tế của HSBC là Janet Henry và James Pomeroy đã lưu ý trong một báo cáo gần đây: “Trong bối cảnh lạc quan hiện tại, người ta dễ dàng quên đi mức độ thiệt hại của cuộc suy thoái năm 2020 và những ảnh hưởng có thể vẫn còn xuất hiện sau thời gian đầu  khi thế giới quay lại trạng thái hoạt động bình thường”.

Ở châu Á, nền kinh tế Trung Quốc đại lục lần đầu tiên vượt qua được sự ảnh hưởng của virus. Sự phục hồi của Trung Quốc đã rất ấn tượng, bao gồm mới đầu là hoạt động xây dựng sau đó mở rộng sang lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ. Theo ông Qu Hongbin, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của HSBC, các chỉ số sẽ tiếp tục xuất hiện một cách ấn tượng, tăng trưởng dự kiến sẽ đạt mức cao nhất 8% vào năm 2021.

Nhật Bản đã ngăn chặn virus một cách đáng kể nhưng điều đó không có dính dáng đến các ảnh hưởng kinh tế. Bất chấp các biện pháp hỗ trợ tài khóa rộng lớn, sự phục hồi kinh tế của Nhật vẫn diễn ra chậm hơn so với các nơi khác, một phần do nền kinh tế đang chịu tác động của chu kỳ đầu tư toàn cầu vẫn còn yếu hơn các nền kinh tế khác. Ngược lại, Hàn Quốc đã chứng kiến lĩnh vực xuất khẩu công nghệ của mình tăng vọt trong năm qua và tránh một sự ảnh hưởng lớn đến nhu cầu trong nước. Nền kinh tế Hàn Quốc sẽ cải thiện hơn nữa vào năm 2021, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của quốc gia này sẽ kém ấn tượng hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác.

Hoạt động của các nước khối ASEAN không đồng đều. HSBC dự báo, năm 2021 sẽ chứng kiến tăng trưởng quay lại của kinh tế Indonesia, mặc dù với tăng trưởng năm trước yếu hơn, mọi người kỳ vọng nhiều hơn thế; Philippines, sau một thời kỳ phát triển mạnh mẽ đã vấp phải khó khăn hơn so với nhiều nước khác vào năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ chuyển hướng tích cực ngay cả khi phải mất một thời gian nữa để có vắc-xin; Malaysia lại bị cuốn vào một làn sóng dịch bệnh nữa vào cuối năm 2020 nhưng sự phục hồi sẽ sớm bắt đầu, đứng đầu so với hầu hết các nước láng giềng; Thái Lan đã ngăn chặn được virus nhưng lượng khách du lịch sụt giảm đã gây ra hậu quả khá lớn. Khách du lịch quay trở lại sớm chừng nào sẽ quyết định tốc độ hồi phục của nước này…

Mặc dù Việt Nam đã sẵn sàng để vượt lên so với các nước trong khu vực vào năm 2021 nhưng HSBC cho rằng, vẫn có những rủi ro đối với quá trình phục hồi kinh tế.

Trước hết, lĩnh vực du lịch vẫn còn nhiều trở ngại. Mặc dù điều tồi tệ nhất có thể đã qua sau quý II/2020 nhưng các dịch vụ liên quan đến du lịch, chẳng hạn như chỗ ở và vận chuyển vẫn mắc kẹt trong tình trạng ảm đạm. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi những hạn chế trong việc xuất nhập cảnh qua biên giới vẫn đang diễn ra, mặc dù Việt Nam đã có một số thỏa thuận đi lại với các nước láng giềng. Dù làn sóng dịch lần thứ hai nhanh chóng được kiềm chế nhưng điều đó có thể khiến Chính phủ thận trọng hơn trong việc tái mở cửa biên giới và chào đón khách du lịch quốc tế. Do đó, sự phục hồi có ý nghĩa trong ngành du lịch khó có thể xảy ra trong thời gian tới cho đến khi có một loại vắc-xin hiệu quả và một cách tiếp cận phối hợp toàn cầu về du lịch quốc tế.

Thị trường lao động mềm của Việt Nam cũng là một thách thức đáng lưu tâm. Mặc dù có một số cải thiện trong quý III/2020, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng với mức lương thấp hơn. Nếu vẫn tiếp tục, sự việc này có thể sẽ dẫn đến sự phục hồi kéo dài trong chi tiêu tiêu dùng, vốn là trụ cột chính của tăng trưởng.

Dù còn đó những rủi ro gây trở ngại trong quá trình phục hồi kinh tế, tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC vẫn cho rằng: “Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất tại châu Á vào năm 2020 và một lần nữa sẽ nằm trong top đầu các nước phát triển trong khu vực vào năm Tân Sửu”.

Thanh Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: