Phóng viên: Trong năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam là số ít những quốc gia đã nỗ lực và kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo ông, đâu là “điểm sáng” của kinh tế Việt Nam năm qua?
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Ông Nicolas Audier: Trước hết, các thành viên EuroCham đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam xử lý nhanh và hiệu quả đối với đại dịch COVID-19. Đại dịch toàn cầu này đã tấn công các thị trường và doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của dịch bệnh này tại Việt Nam đã được giảm thiểu nhờ những nỗ lực chủ động của Chính phủ để bảo vệ cuộc sống và sinh kế người dân, qua đó đã giúp các công ty vượt qua cơn bão COVID-19 và giờ đây đã mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh, trong khi điều này sẽ khó khăn hơn nhiều ở các nền kinh tế khác trên thế giới đang phải tiếp tục vật lộn với virus này.
Trở lại quý I/2020, khi COVID-19 lần đầu tiên bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới, EuroCham đã hỏi các thành viên về nhận thức tác động của dịch bệnh này trong khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI). BCI là thước đo thường xuyên của các thành viên EuroCham và nhận thức của họ đối với các vấn đề về môi trường thương mại và đầu tư. Chỉ số này theo dõi hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên của EuroCham mỗi quý và cảm nhận của họ về triển vọng kinh tế ở Việt Nam.
Trong quý I/2020, 3/4 các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu chứng kiến chi phí tăng lên do COVID-19, trong khi 2/3 thấy đơn đặt hàng giảm và 60% bị mất doanh thu.
Tuy nhiên, tình hình chuyển biến mạnh khi bước sang quý III/2020 và nhờ những phản ứng của Chính phủ, niềm tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã quay trở lại. Các thành viên của EuroCham hiện đang được cho là “lạc quan thận trọng” về tương lai, với tổng điểm BCI tăng từ 27 điểm trong quý I/2020 lên 57,5 trong quý III/2020. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá tích cực hơn về doanh nghiệp mình trong quý III/2020, với 40% mô tả hoạt động của họ là “Xuất sắc” hoặc “Tốt” - cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ 18% được ghi nhận trong quý trước đó. Tình hình quý IV/2020 dường như sẽ còn tươi sáng hơn nữa, với 44% dự đoán kết thúc tốt đẹp vào năm 2020. Trong khi đó, hầu hết các công ty dự đoán giữ được sự ổn định về số lượng nhân sự (65%) và kế hoạch đầu tư (57%), chưa đầy một nửa (44%) mong muốn doanh thu và đơn đặt hàng tăng lên.
Phóng viên: Việt Nam đã hoàn thành tốt mục tiêu “kép” về kiểm soát dịch và phát triển kinh tế. Theo ông, đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nói riêng trong trạng thái “bình thường mới”?
Ông Nicolas Audier: Trong suốt giai đoạn xảy ra dịch COVID-19, các thành viên của chúng tôi đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của chính phủ cả về mặt chính sách (cho phép các công ty châu Âu tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào thấy an toàn) và các thay đổi về thuế. Hơn 1/4 số công ty được hưởng lợi từ việc giãn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong quý II/2020, gần 20% doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội.
Các công ty châu Âu tiếp tục dành ưu tiên cho môi trường kinh doanh cởi mở và cạnh tranh, khung pháp lý hiện đại và thị trường dựa trên thương mại tự do, công bằng và dựa trên luật lệ. Năm 2020 đã đem đến những thách thức đáng kể cho các công ty ở đây và trên toàn thế giới, nhưng cũng cần nhấn mạnh lại rằng những nguyên tắc này là nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững - như Việt Nam đã thể hiện trong vài thập kỷ qua.
Do đó, trong trạng thái bình thường mới này, trọng tâm của các công ty châu Âu là nắm bắt các cơ hội thương mại và đầu tư trong thế giới hậu COVID. Đặc biệt, với việc EVFTA đã có hiệu lực, hiệp định này có thể được coi là một “lộ trình phục hồi” vì thuế quan giảm và khả năng tiếp cận thị trường ngày càng tăng sẽ giúp thúc đẩy thương mại khi đây là điều đang cần nhất.
Phóng viên: Về mặt tích cực, COVID-19 là “cú hích” chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Theo ông Việt Nam có lợi thế gì để đẩy mạnh phát triển “nền kinh tế số”?
Ông Nicolas Audier: Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc tăng tốc chuyển đổi số trong thời gian gần đây. Việc sử dụng các quy trình số hóa đã giúp hiện đại hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính, đồng thời giải phóng cả thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Điều này đã được phản ánh trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 “Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu”, khi xếp Việt Nam là quốc gia “được cải thiện nhiều nhất” trong số 141 quốc gia được đưa vào báo cáo.
Châu Âu có những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật số và các thành viên của EuroCham đang hoạt động trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng số, giải pháp CNTT-TT và thành phố thông minh. Các thành viên của chúng tôi tự hào được chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này và các ngành công nghiệp số khác với các đối tác tại Việt Nam, nhằm giúp khu vực trong nước phát triển và đảm bảo thế hệ tiếp theo có kỹ năng để phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận xu hướng này hơn nữa, các công ty châu Âu mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi kỹ thuật số đang thành công của mình. Lấy một ví dụ, việc đảm bảo áp dụng nhất quán chữ ký điện tử sẽ giúp hợp lý hóa các thủ tục kinh doanh và khuyến khích số hóa các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau. Điều này quan trọng hơn bao giờ hết trong thời kỳ dịch COVID-19, khi các công ty cần giảm thiểu lượng tương tác, tiếp xúc của con người trong hoạt động kinh doanh.
Phóng viên: Dù có bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng các tổ chức trong và ngoài nước vẫn đưa ra những báo cáo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Với những kinh nghiệm của mình, ông và EuroCham có nhận định gì về kinh tế Việt Nam năm 2021?
Ông Nicolas Audier: COVID-19 đang được kiểm soát khá tốt ở Việt Nam, nhưng phần lớn các nước còn lại trên thế giới vẫn tiếp tục vật lộn với tác động của đại dịch toàn cầu này. Tuy nhiên, ngay cả khi có những tín hiệu tốt như vắc xin được phê duyệt và triển khai, thì COVID-19 vẫn sẽ tạo ra đám mây bao phủ thương mại toàn cầu trong phần lớn năm 2021. Trong tình huống này, các công ty cần phải tận dụng tối đa các cơ hội cho thương mại và đầu tư xuất hiện.
Về mặt này, Việt Nam sẽ là một điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty châu Âu. Nhờ vào việc Chính phủ xử lý COVID-19 hiệu quả đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh cởi mở hơn nhiều so với những nơi khác trên thế giới.
Đặc biệt, với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, các công ty châu Âu có nhiều đặc quyền tiếp cận thị trường Việt Nam hơn. Cụ thể, tại thời điểm có hiệu lực, thỏa thuận thương mại lịch sử này đã xóa bỏ 65% thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Con số này sẽ tăng lên gần 99% trong thập kỷ tới, có nghĩa là hàng hóa châu Âu sẽ sớm có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa từ các nước mà Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do như: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Đồng thời, EVFTA cũng sẽ mở ra các thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu. Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021. Vì vậy, những cơ hội này sẽ càng hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp EU muốn tăng cường thương mại và đầu tư trong một thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng của COVID-19. Có thể kể đến như: Việt Nam đã đồng ý tự do hóa các dịch vụ giáo dục đại học xuyên biên giới, dịch vụ môi trường, vận tải biển, viễn thông và dịch vụ tài chính… Những lĩnh vực này sẽ tạo động lực lớn hơn cho các nhà đầu tư EU gia tăng dấu ấn tại Việt Nam và tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2021 và cả thập kỷ tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Hương
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|