Việt Nam sắp xuất khẩu thịt gia cầm, trứng sang thị trường Mông Cổ

(Banker.vn) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang thị trường Mông Cổ.
Xuất khẩu thịt tăng trở lại trong quý III/2023 Đề xuất Hàn Quốc sớm mở cửa thị trường cho trái bưởi và thịt gà chế biến Việt Nam phấn đấu xuất khẩu thịt heo sang Malaysia, Trung Quốc

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.

Được biết, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang Mông Cổ, Cục có thể thông tin cụ thể hơn về kết quả đàm phán này?

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ, ngày 2/11/2023, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thú y Mông Cổ, Trưởng cơ quan thú y của Mông Cổ đã đến và làm việc tại Cục Thú y, đồng thời đã thống nhất và chính thức ký các mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (trái) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thú y Mông Cổ ký mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật, ngày 2-11. Ảnh: Cục Thú y
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (trái) và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thú y Mông Cổ ký mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật, ngày 2/11. Ảnh: Cục Thú y

Cụ thể, mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thịt dê, cừu đông lạnh có nguồn gốc từ vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả loài nhai lại nhỏ (PPR) theo quy định của Mông Cổ, bảo đảm phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) xuất khẩu sang Việt Nam; mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm động vật (bao gồm thịt gia cầm tươi, đã chế biến; trứng và sản phẩm trứng gia cầm) từ Việt Nam vào Mông Cổ.

Đây là kết quả của sự nỗ lực sau hơn 7 năm đàm phán theo đúng quy định, thông lệ quốc tế, cũng như thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn trên tinh thần hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Mông Cổ. Đồng thời để thực hiện các nội dung của các Biên bản giữa Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác thương mại.

Cũng tại cuộc họp ngày 2/11/2022, Tổng cục Thú y Mông Cổ và Cục Thú y đã thống nhất đề nghị các doanh nghiệp của Mông Cổ nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, tiến hành đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thịt dê, cừu đông lạnh để được đánh giá, chấp nhận, công bố trên trang web của Cục Thú y (https://cucthuy.gov.vn/) theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn công nông nghiệp Việt Nam có thể đăng ký kiểm dịch nhập khẩu thịt dê, cừu đông lạnh từ Mông Cổ theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). (ảnh Tùng Đinh, Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) (ảnh Tùng Đinh, Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Ở chiều ngược lại, việc các sản phẩm động vật của Việt Nam tiếp cận được các thị trường mới cho thấy việc triển khai có hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm; Kế hoạch quốc gia xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật (bao gồm cả sản phẩm tươi sống, chế biến) sang thị trường các nước. Đây cũng là tiền đề để các sản phẩm thịt, trứng gia cầm tươi sống/đông lạnh của Việt Nam tiếp cận các thị trường mới.

Ngành chăn nuôi Mông Cổ với đặc thù địa hình thảo nguyên bao phủ, chủ yếu phát triển chăn nuôi gia súc du mục có kiểm soát của cơ quan thú y. Chăn nuôi gia cầm ở Mông Cổ chiếm tỉ trọng rất thấp.

Vì vậy, thị trường Mông Cổ là một thị trường tiềm năng các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thị trường này.

Bên cạnh đó, xu thế phát triển của nền kinh tế, thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, đặc biệt là giới trẻ được tiếp cận với những cửa hàng ăn nhanh của Mc Donnal, KFC,… sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Được biết, hiện Cục cũng đang đàm phán xuất khẩu thịt gia cầm sang Hàn Quốc, Vương quốc Anh; đàm phán xuất khẩu trứng gia cầm sang Hàn Quốc, Maldives. Ông có thể thông tin cụ thể về việc này?

Kể từ lần đầu đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà chế biến nhiệt xuất khẩu sang Nhật Bản vào năm 2017, đến nay, ngoài việc Việt Nam có thể xuất khẩu thịt gà chế biến vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), các nước Liên minh Á - Âu, và vừa qua Mông Cổ là nước đầu tiên cho phép nhập khẩu thịt gia cầm và trứng gia cầm (bao gồm sản phẩm tươi và chế biến).

Cục Thú y đã và đang thực hiện đàm phán mở cửa thêm nhiều thị trường khác Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, EU, Anh, các nước Trung Đông.

Trong tháng 9/2023, Cục Thú y đã tiếp và làm với với đoàn thanh tra an toàn thực phẩm của Hàn Quốc sang kiểm tra chuỗi sản xuất thịt gà chế biến của các Công ty Công ty CP, Công ty Koyu & Unitek và Đoàn thanh tra của Vương quốc Anh sang kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu của Việt Nam. Cục Thú y đang chờ báo cáo của các đoàn thanh tra.

Hiện, Việt Nam đã có những sản phẩm chăn nuôi nào được xuất khẩu, kim ngạch ra sao, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch một số loại động vật và sản phẩm động vật sang thị trường các nước, giá trị xuất khẩu đạt trung bình trên 450 triệu USD/năm.

Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu tổ yến, sữa và sản phẩm sữa, lông vũ sang thị trường Trung Quốc; thịt gà chế biến và trứng gia cầm sang thị trường Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) các nước liên minh Á - Âu và Mông Cổ; trứng (bao gồm cả trứng tươi và trứng qua chế biến) xuất khẩu sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ; thịt lợn sang thị trường Hông Kông (Trung Quốc); mật ong sang các nước như Hoa Kỳ, EU.

Việc mở rộng các thị trường xuất khẩu là cơ hội cho các sản phẩm chăn nuôi gia tăng thêm giá trị. Nhưng để xuất khẩu được thì điều quan trọng là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Hiện việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với từng nhóm hàng thịt heo, thịt gia cầm được thực hiện đến đâu, thưa ông?

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xây dựng được 1 vùng và 235 cơ sở an toàn dịch bệnh, cụ thể, 1 vùng cấp huyện và 93 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 130 cơ sở an toàn dịch bệnh trên lợn; 12 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia súc khác.

Lũy kế đến nay, cả nước có 4.037 cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố, trong đó, có 01 vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 39 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 180 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.991 cơ sở an toàn dịch bệnh.

Ngày 25/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2023 – 2030.

Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng và cần thiết để các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trong những năm tới.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương