Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản mở ra giai đoạn phát triển mới

(Banker.vn) Trả lời báo chí Nhật Bản trước chuyến thăm chính thức Nhật Bản (22-25/11/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn cùng Nhật Bản xây dựng cơ chế hợp tác mới để cùng nhau mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Việt Nam và Nhật Bản - Những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy

Mối quan hệ giao lưu Việt Nam - Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, để lại nhiều di sản quý báu cho thế hệ hôm nay điển hình như Hội An (Quảng Nam). Ngày nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của nguyên Thủ tướng Nhật Bản Su-ga vào tháng 10/2020.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Ngoài ra, hai nước có trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực về lao động, nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đặc biệt, mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam càng thể hiện sâu sắc những lúc khó khăn và thách thức. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong dịch bệnh Covid-19, hai nước đã luôn chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ hiệu quả, kịp thời của Nhật Bản trong phòng chống dịch bệnh với các khoản viện trợ trên 4 triệu liều vắc xin và nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Về phía Việt Nam, chúng tôi rất quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam duy trì, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm chuỗi sản xuất và cung ứng.

Trên bình diện đa phương, hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Mê Công... cũng như trong ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường... qua đó đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Hai bên cùng nhau và cùng các đối tác khác thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại, ký kết, triển khai các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ khu vực (RCEP).

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Tochigi (Nhật Bản) ngày 23/11

6 lĩnh vực tăng cường hợp tác với Nhật Bản

Để kế thừa và khai thác có hiệu quả hơn nữa truyền thống hợp tác, tiềm năng, thế mạnh của nhau, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn cùng Nhật Bản thực hiện hiệu quả hơn nữa cơ chế hợp tác hiện nay, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác mới để cùng nhau mở ra giai đoạn phát triển mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Thủ tướng đề xuất thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trên 6 lĩnh vực.

Thứ nhất, tiếp tục tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch Covid-19; trước hết là trong lĩnh vực thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, qua đó thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân hai nước trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút từ Nhật Bản nguồn vốn tài chính, vốn đầu tư, vốn ODA với gói đủ lớn, ưu đãi, linh hoạt, thủ tục đơn giản nhất có thể, phù hợp trong điều kiện bối cảnh cần nhanh chóng phục hồi kinh tế xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Tập trung cho phục hồi kinh tế, hạ tầng chiến lược, hợp tác y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ hai, Tăng cường hợp tác về y tế, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc xin phòng chống Covid-19; phát triển công nghiệp dược; nghiên cứu xây dựng Trung tâm an toàn sinh học cấp độ 4; tăng cường năng lực y tế cho các bệnh viện tuyến cuối, hợp tác đầu tư nâng cấp một số bệnh viện lớn của Việt Nam như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác về giáo dục đào tạo, lao động, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; thúc đẩy hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân.

Thứ tư, về hợp tác về văn hóa - du lịch, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác văn hóa và du lịch nhất là khai thác các du lịch đến các địa điểm nổi tiếng của hai nước, tổ chức các sự kiện văn hóa để thắt chặt hiểu biết, chia sẻ và tình hữu nghị.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh, trong đó có các thỏa thuận về chuyển giao thiết bị, công nghiệp quốc phòng, tàu tuần tra, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ…

Thứ sáu, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).

Tin tưởng rằng với sự nỗ lực, đồng lòng, sự tin cậy cao của cả hai bên, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”- Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng.

Cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Việt Nam đã phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng chống dịch. Đến nay, nhờ nỗ lực của hệ thống chính trị và cách tiếp cận toàn dân tham gia chống dịch và có thêm kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 cùng với sự hỗ trợ của các nước bạn bè, đối tác và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhất là Nhật Bản; Việt Nam cơ bản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển chiến lược từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”.

Hiện nay, để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục kinh doanh và đầu tư mới vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tập trung vào một số định hướng chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác và phát triển. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là điều hành kinh tế tạo môi trường vĩ mô ổn định để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam.

Nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, quản trị ngành; hoàn thiện thể chế, tiến hành sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính…

Xem xét xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư và đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống (thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, cước phí viễn thông; thúc đẩy việc mở lại đường bay quốc tế, hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới…).

Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư cho hạ tầng chiến lược. Chúng tôi kêu gọi các phương thức đầu tư có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nhân lực số, lao động có kĩ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011. Nhật là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.

Thu Phương

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục