Việt Nam là thị trường tiềm năng với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm

(Banker.vn) Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp ngoại quốc bởi nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm trong lĩnh vực làm đẹp.
Tái định vị thương hiệu giúp ngành mỹ phẩm Việt vươn xa Doanh nghiệp ngành mỹ phẩm trong cuộc đua định vị thương hiệu Khó kiểm soát chất lượng mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử

Ngày 19/4, tại Hà Nội, tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm phối hợp với Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS); Hội đào tạo và phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (VNBA); Công ty Cổ phần Adpex tổ chức diễn đàn: "Thị trường ngành làm đẹp năm 2024: Biến thách thức thành cơ hội bứt phá tăng trưởng bền vững".

Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ triển lãm Vietnam Beautycare Expo 2024.

Thị trường tiềm năng

Phát biểu khai mạc diễn đàn, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch VNPS cho biết, thị trường làm đẹp Việt Nam là thị trường tiềm năng có tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh phát triển không ngừng của ngành công nghiệp sức khỏe và làm đẹp, việc giữ vững vị thế hàng đầu không chỉ là một lợi thế, mà còn là một yêu cầu chiến lược quan trọng.

Việt Nam là thị trường tiềm năng với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch VNPS

Theo Euromonitor International, thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân toàn cầu sẽ tăng lên 547 tỷ USD vào năm 2027, với mức độ tăng trưởng kép hàng năm từ 15-20%. Tuy nhiên, "cuộc chơi" ở phân khúc mỹ phẩm cao cấp đặt ra không ít thách thức ngay cả với những thương hiệu hàng đầu.

Trong giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam sử dụng các sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên đến 86% và dự kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường mỹ phẩm cũng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 15-20%.

"Sự tăng trưởng cũng đi kèm với những thách thức, khi cạnh tranh trong ngành công nghiệp làm đẹp ngày càng cao. Diễn đàn là cơ hội để chúng ta có cái nhìn trực quan, cập nhật xu hướng trong ngành làm đẹp, tiếp cận chính sách hiệu quả, phương pháp và công nghệ tối ưu nhằm kết nối và phát triển bền vững trong ngành mỹ phẩm và làm đẹp cá nhân tại Việt Nam", ông Hoàng nhấn mạnh.

Việt Nam là thị trường tiềm năng với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm
TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)

Theo TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thời gian qua, kinh tế Việt Nam có những bước tiến lớn, giữ được đà tăng trưởng, ổn định lạm phát, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên. Đi kèm với đó là nhu cầu làm đẹp, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người Việt cũng có xu hướng gia tăng. Với dân số khoảng 100 triệu người, đứng thứ 12 trên thế giới về dân số, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm.

Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International (Tập đoàn nghiên cứu thị trường của Anh, nghiên cứu thị trường trên 80 nước) quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỷ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD.

Ông Chu Quốc Thịnh dẫn dữ liệu thống kê, trong 8 năm từ 2015-2022, số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được công bố tại Cục Quản lý Dược và các sở Y tế là 296.116 phiếu, trong đó mỹ phẩm nhập khẩu chiếm 70% về số lượng.

"Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường nhiều tiềm năng và sức hút", ông Thịnh khẳng định.

Doanh nghiệp nội địa đối mặt thách thức

Thông tin tại diễn đàn TS. Chu Quốc Thịnh cho rằng, ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất trong nước 965 cơ sở tuy nhiên chỉ 35 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của Asean.

Cùng với đó, với chiến lược truyền thông mạnh, các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài đã chiếm lĩnh thị phần lớn. Vì thế, các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 30% số lượng sản phẩm mỹ phẩm được công bố nên chỉ có thể trụ lại ở phân khúc giá rẻ.

Thêm vào đó, ngành mỹ phẩm đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về môi trường, an toàn và chất lượng sản phẩm.

Việt Nam là thị trường tiềm năng với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm
Các khách mời chia sẻ tại diễn đàn

Để phát triển, Trưởng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng đến: Chất lượng sản phẩm, tính nền vững, đổi mới công nghệ và tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt, thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Đối với các thương hiệu mới muốn gia nhập thị trường, nên tập trung vào việc xây dựng lòng tin và tạo dựng uy tín trong mắt khách hàng bằng cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên và các thành phần an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dùng. Đồng thời, việc đưa ra thông tin chính xác về sản phẩm và những lợi ích của nó cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách hàng.

Hiện nay, xu hướng thị trường đang chuyển đổi sang sản phẩm organic, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Vì vậy, các thương hiệu cần tìm cách cập nhật và phát triển sản phẩm của mình để đáp ứng được nhu cầu này. Các nhà sản xuất phải không ngừng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời phải tìm cách tăng tính cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Việt Nam là thị trường tiềm năng với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm

Để tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, ông Chu Quốc Thịnh cho biết, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm. Bộ hồ sơ đề xuất Nghị định trong quá trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến ban hành trong năm 2025.

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam và hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm mỹ phẩm chất lượng cao và có nguồn gốc hữu cơ. Đó là lý do hiện nay rất nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm Việt ngày càng hướng tới tiêu chuẩn CGMP", ông Chu Quốc Thịnh cho hay.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục