Việt Nam là thị trường cung cấp tôm các loại lớn nhất cho Hàn Quốc

(Banker.vn) Nhu cầu tôm ở Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 8,9%/năm trong giai đoạn 2023 – 2033 mở ra cơ hội lớn cho tôm Việt Nam tại thị trường này.
Thị trường Trung Đông chỉ chiếm 1,3% kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm thứ tư của Hoa Kỳ

Dư địa thị trường vẫn rất lớn

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 10 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu tôm các loại của Hàn Quốc đạt 640,2 triệu USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao khiến nhu cầu nhập khẩu tôm các loại của Hàn Quốc năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

xuất khẩu tôm
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm các loại lớn nhất cho Hàn Quốc

Việt Nam là thị trường cung cấp tôm các loại lớn nhất cho Hàn Quốc trong 10 tháng năm 2023, đạt 295,38 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù xuất khẩu tôm các loại sang Hàn Quốc giảm, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là thị trường cung cấp tôm các loại lớn nhất cho thị trường này với tỷ trọng chiếm 46,1% trong 10 tháng năm 2023, tăng so với mức 45% trong 10 tháng năm 2022.

Đáng chú ý, Hàn Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu tôm các loại từ Ấn Độ, nhập khẩu từ thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2023 tăng tới 41,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 2,2% trong 10 tháng năm 2022 lên 4,0% trong 10 tháng năm 2023.

Về chủng loại tôm nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2023, Hàn Quốc giảm nhập khẩu hầu hết các chủng loại tôm, trừ nhập khẩu tôm khô/muối/hun khói/ngâm nước muối (HS 030695) tăng nhẹ và nhập khẩu tôm nước ấm chế biến đóng gói kín khí (160529) tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu 2 chủng loại tôm này ở mức thấp.

Theo báo cáo của Future Market Insights, Inc, nhu cầu tôm ở Hàn Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng bình quân 8,9%/năm trong giai đoạn 2023 - 2033. Theo đó, doanh thu bán tôm tại nước này được dự báo sẽ tăng đáng kể, từ mức dự kiến 2,75 tỷ USD năm 2023 lên khoảng 6,45 tỷ USD vào năm 2033.

Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Hàn Quốc ngày càng tăng do các món làm từ tôm ngày càng đa dạng và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chế độ ăn lành mạnh và giàu protein.

Việc áp dụng chế độ ăn kiêng của phương Tây ngày càng tăng đã dẫn đến việc kết hợp nhiều món khác nhau vào bữa ăn hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Trong đó, tôm và các công thức nấu ăn từ tôm được đánh giá cao do hương vị đa dạng. Tôm được coi là nguồn protein tốt cho sức khỏe do hàm lượng chất béo tương đối thấp và hàm lượng protein cao.

Tôm cũng chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu như selen và vitamin B12. Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng béo phì ở giới trẻ. Trong bối cảnh như vậy, các món ăn từ tôm có thể sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Hàn Quốc trong những năm tới.

Xu hướng tiêu dùng tôm tại Hàn Quốc

Những người ưu tiên quan tâm đến sức khỏe và thể chất là những người tiêu dùng tôm chính ở Hàn Quốc. Trong đó có thế hệ trẻ, thế hệ thường cởi mở hơn trong việc thử các món ăn quốc tế, trong đó có tôm.

Hàn Quốc thu hút hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Điều này đã đưa nhiều món ăn quốc tế, trong đó có tôm, vào thực đơn của các nhà hàng và quán ăn đường phố nổi tiếng.

Do giá tương đối cao, tôm thường được lựa chọn làm món ăn mừng hoặc trong những dịp đặc biệt. Tôm có thể được dùng trong các bữa ăn trong các dịp lễ, tết, họp mặt gia đình.

Tôm cũng được coi là một lựa chọn ăn kiêng rất lành mạnh cho trẻ em ở độ tuổi non nớt. Tôm là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất tốt, bao gồm vitamin B12, phốt pho và selen, là thực phẩm lành mạnh cho trẻ em.

Tôm thẻ chân trắng nuôi được ưa chuộng ở Hàn Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 9% tiêu thụ tôm. Nhu cầu về tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng cao do giá cả phải chăng hơn tôm đánh bắt tự nhiên. Nguồn cung tôm thẻ chân trắng nuôi có thể được cung cấp quanh năm, điều này rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu ở một quốc gia yêu thích hải sản.

Tôm thẻ chân trắng cũng thường có sẵn ở nhiều dạng sản phẩm khác nhau, bao gồm các sản phẩm tươi, đông lạnh và chế biến giá trị gia tăng. Sự đa dạng về tính sẵn có này giúp người tiêu dùng thuận tiện lựa chọn dựa trên sở thích và phương pháp nấu ăn của mình.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già.

Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp). Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.

Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.

Do đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương