Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI

(Banker.vn) Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.
Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài tại tỉnh Bình Dương TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài Hơn 100 doanh nghiệp nước ngoài tham gia ENTECH HANOI 2023

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao triển vọng đầu tư

Tiếp nối chuỗi hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển”, sáng 16/10, tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị liên quan cùng đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đứng trước những vấn đề toàn cầu và thách thức chưa từng gặp phải, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức khó lường, phức tạp, sự ứng xử kịp thời, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả từ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... là những tiền đề căn bản để Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong 9 tháng năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế.

Cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI.

Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: "Từ tất cả các yếu tố trên đã cho thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam; niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu; cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu, nhiều nhà đầu tư lớn cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới".

Theo đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi phải có sự chia sẻ, đồng hành của khu vực FDI với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cần phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực cho đầu tư tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư.

Đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, cần tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh.

"Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" từ thủ tục hành chính

Về phía Hoa Kỳ, phát biểu tại hội nghị, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng trước. Đặc biệt hơn là sau chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam tới San Francisco, Washington D.C. và Thành phố New York.

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

"Do đó, Chính phủ có thể thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Chính phủ trong thời gian qua" - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ đồng thời cho rằng, các quy trình phê duyệt, thủ tục hành chính hiện còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ xác định, tháo gỡ những nút thắt này, đồng thời giúp Chính phủ xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính" - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ kiến nghị.

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI
Ông Ng Boon Teck - Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng tại hội nghị, ông Ng Boon Teck, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực logistics tại Việt Nam.

Theo ông Ng Boon Teck, có hai sáng kiến chính đã được đẩy mạnh. Thứ nhất, ASLN là mạng lưới logistics thông minh của ASEAN – một cơ chế hợp tác nhằm đẩy mạnh hơn sự kết nối và hội nhập trong ASEAN. Thứ hai, chúng ta có SG Connect – dự án nền tảng của ASEAN được triển khai từ năm 2018 với mong muốn hỗ trợ phát triển thành phố thông minh trong khu vực.

"Chúng ta có "Super port" tại Việt Nam là "siêu cảng", trung tâm logistics lớn đặt tại Vĩnh Phúc với diện tích rất lớn, có sự kết nối với nhiều khu vực như: Hà Nội, sân bay Nội Bài, Cảng Hải Phòng và các tỉnh biên giới. Chúng tôi mong muốn kết hợp mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng logistics phát triển để biến nơi này thành khu vực trung chuyển với tinh thần giảm chi phí nhiều nhất có thể" - ông Ng Boon Teck bày tỏ.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cũng cho biết, tháng 8 vừa qua, Hiệp hội ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Vĩnh Phúc để đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia.

"Doanh nghiệp Singapore có rất nhiều hoài bão và kỳ vọng xây dựng một hệ thống logistics càng đơn giản, hiện đại càng tốt, kết nối hạ tầng đường xá, thông tin, kinh tế. Chúng tôi muốn mang tới công nghệ mới, thông minh và chia sẻ cách tối ưu hoá những công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh hơn ngành logistics" - ông Ng Boon Teck bày tỏ và đề xuất, Việt Nam cần tập trung về cơ chế tài chính, cơ chế đánh thuế, nghiên cứu thành lập điểm kết nối về điện,… làm sao để môi trường "xanh hơn".

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương