Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu

(Banker.vn) Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu; hơn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Dấu hiệu và cách phòng chống bệnh lao phổi Việt Nam được chọn là quốc gia nghiên cứu vaccine phòng bệnh lao

Hôm nay (24/3) là Ngày Thế giới phòng chống lao. Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể nhưng đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, gọi là bệnh lao phổi.

Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay có chủ đề được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra là "YES! WE CAN END TB" (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao). Thông điệp này tiếp tục nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, sự chung tay của cả cộng đồng nhăm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Nếu các quốc gia tuân thủ cam kết của mình, điều này sẽ đưa thế giới tiến đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và cứu sống cho 45 triệu người trong khoảng thời gian từ 2023 - 2027.

Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu
Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu

Tại Việt Nam, thời gian qua, Chương trình Chống lao quốc gia đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2023 có 106.086 trường hợp mắc lao các thể được phát hiện (tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34% và 2,2%); phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân (cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%). Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao được duy trì ở mức cao (trên 90%).

Tuy vậy, theo giới chuyên gia, công tác chống lao tại Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (>100.000 bệnh nhân). Như vậy có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.

Về công tác phòng chống lao tại Việt Nam, theo báo cáo năm 2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 3.775, và thu nhận 3.587 vào điều trị. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.963). Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra và ghi nhận tỷ lệ bỏ điều trị còn cao trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước, nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid- 19.

Theo quy định của Chương trình Chống lao quốc gia, tất cả bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao sẽ miễn phí xét nghiệm soi đờm trực tiếp và thuốc điều trị lao. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, song với thời gian điều trị kéo dài từ 6-8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh/thành vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình phối hợp y tế công - tư (PPM) do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế. Nhiều cơ sở y tế mức độ phối hợp còn hạn chế, sự đóng góp vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao còn chưa được như mong muốn. Sự phản hồi 2 chiều giữa chương trình chống lao ở các tỉnh với các cơ sở y tế công - tư đã tham gia phối hợp còn chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng đến sự tích cực chuyển gửi người nghi lao từ hệ thống các cơ sở y tế ngoài chương trình chống lao

Ngoài ra, hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của Tổ chức Y tế thế giới.

Vì thế, trong báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh.

Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện.

Một thông tin đáng quan tâm, mới đây, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia được WHO lựa chọn triển khai nghiên cứu vaccine phòng bệnh lao M72. Đến thời điểm hiện nay, có 16 loại vaccine lao đã được nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng, trong đó vaccine M72 là nghiên cứu ít nhất 1 lần tiêm đã đạt qua được mức khuyến cáo của WHO với độ bảo vệ khoảng 50%. Với những đột phá như thuốc mới, phương pháp điều trị mới, công nghệ mới, đặc biệt là vaccine phòng bệnh, thế giới được kỳ vọng tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục