Việt Nam đấu giá thành công băng tần mạng 5G thứ 3, kỷ nguyên số sắp bùng nổ

(Banker.vn) Băng tần thứ 3 được đấu giá mở ra kỷ nguyên 5G bùng nổ ở Việt Nam, đưa quốc gia gia nhập nhóm 4 quốc gia Đông Nam Á sở hữu hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất.
Huawei mong muốn tham gia phát triển mạng 5G, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam Trao Chứng nhận hợp quy thiết bị trạm gốc 5G 8T8R và 32T32R Nắm bắt cơ hội thương mại hoá 5.5G, đón đầu kỷ nguyên AI di động

MobiFone vừa trúng đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3.800 - 3.900 MHz (khối băng tần C3) với mức giá hơn 2.580 tỷ đồng. Đây là cột mốc lịch sử mở ra kỷ nguyên 5G toàn cầu tại Việt Nam, đưa quốc gia gia nhập nhóm 4 quốc gia Đông Nam Á sở hữu hạ tầng viễn thông tiên tiến nhất.

Sẽ là năm bản lề trước cuộc bùng nổ 5G trên toàn quốc

Thành công của MobiFone trong đợt đấu giá lần này là kết quả của sự nỗ lực không ngừng và tầm nhìn chiến lược của tập đoàn trong việc tiên phong áp dụng công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về tốc độ truy cập internet và trải nghiệm dịch vụ di động.

Việt Nam đấu giá thành công băng tần mạng 5G thứ 3, kỷ nguyên mới sắp bùng nổ
Việc sở hữu khối băng tần C3 sẽ tạo điều kiện cho MobiFone triển khai rộng khắp mạng lưới 5G trên toàn quốc. - Ảnh minh hoạ

Việc sở hữu khối băng tần C3 sẽ tạo điều kiện cho MobiFone triển khai rộng khắp mạng lưới 5G trên toàn quốc, mang đến cho người dùng những dịch vụ viễn thông hiện đại, tốc độ siêu nhanh và độ trễ thấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kết nối và ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Đến nay, dự kiện đấu giá thành công 3 khối băng tần (B1, C2 và C3) trong vòng 4 tháng qua đã mang lại cho ngân sách nhà nước hơn 12.500 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào nguồn thu quốc gia. Đồng thời, việc mở rộng dung lượng băng tần cũng tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành viễn thông, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: "Năm 2024 là năm bản lề đánh dấu sự bùng nổ của 5G tại Việt Nam. Việc MobiFone trúng đấu giá thành công khối băng tần C3 là minh chứng cho sự sẵn sàng của các nhà mạng Việt Nam trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất. 5G sẽ mở ra vô vàn cơ hội mới cho nền kinh tế số, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".

Với việc sở hữu khối băng tần C3, MobiFone cam kết sẽ nỗ lực không ngừng để cung cấp cho khách hàng những dịch vụ 5G chất lượng cao, giá cả hợp lý, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số khu vực và toàn cầu.

Hướng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Tiếp nối thành công vang dội của đợt đấu giá 3 khối băng tần cho 4G và 5G vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và chuẩn bị cho đợt đấu giá tiếp theo dành cho các băng tần dưới 1.000 MHz, bao gồm 700 MHz, 800 MHz và 900 MHz.

Đây là bước tiến quan trọng nhằm mở rộng hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ di động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Băng tần 700 MHz, trước đây được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất, hiện đã được thu hồi sau khi hoàn thành Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), đây là dải tần lý tưởng cho triển khai mạng di động do khả năng cung cấp vùng phủ sóng rộng lớn hơn so với các băng tần cao hiện nay.

Ưu điểm này đặc biệt hữu ích cho việc phủ sóng di động tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mật độ dân cư thấp và địa hình phức tạp, góp phần thu hẹp khoảng cách về kết nối số giữa các vùng miền.

Hai dải băng tần 800 MHz và 900 MHz hiện đang được sử dụng cho hệ thống 2G và 3G. Việc thu hồi và tái cấp phép những băng tần này sẽ giúp giải phóng nguồn tài nguyên quý giá, đồng thời tạo điều kiện cho việc triển khai 4G và 5G, nâng cao dung lượng mạng di động và cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dùng.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có khoảng 123 triệu thuê bao di động, trong đó 4G chiếm đa số với 88 triệu thuê bao (71,5%). Dự báo đến năm 2030, 4G vẫn sẽ là công nghệ chủ đạo, chiếm hơn 50% tổng số thuê bao.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dùng về kết nối di động tốc độ cao, dung lượng lớn, việc mở rộng sử dụng các băng tần dưới 1.000 MHz cho 4G và 5G được xem là giải pháp tối ưu.

Nghiên cứu mở rộng 4G, 5G ở băng tần thấp

Theo thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), đơn vị này đang gấp rút nghiên cứu và đánh giá nhu cầu sử dụng băng tần 700 MHz để trình Bộ xem xét chủ trương đấu giá, cấp phép sử dụng cho doanh nghiệp triển khai 4G/5G trong thời gian tới, dự kiến sớm nhất là trong năm 2024.

Đây là tin tức quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong việc mở rộng hạ tầng viễn thông, mang đến cho người dùng trải nghiệm di động tốt hơn, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Về mặt lý thuyết, để tối ưu hóa hiệu quả mạng 4G/5G, cần có sự kết hợp giữa hai loại băng tần: băng tần cao giúp tăng tốc độ truy cập và băng tần thấp giúp nâng cao chất lượng vùng phủ sóng. Hiện nay, các nhà mạng chủ yếu sử dụng băng tần 1.800 MHz và 2.100 MHz cho 4G, tập trung vào việc nâng cao tốc độ truy cập.

Băng tần 700 MHz, được đánh giá là băng tần thấp, có khả năng cung cấp vùng phủ sóng rộng hơn đáng kể so với các băng tần cao. Việc bổ sung băng tần này sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng phủ sóng 4G, đặc biệt là trong nhà và khu vực có địa hình phức tạp, góp phần thu hẹp khoảng cách về kết nối số giữa các vùng miền.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, việc đấu giá thành công 3 khối băng tần cao trước đây đã tạo điều kiện cho việc triển khai 4G trên diện rộng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng, việc bổ sung băng tần thấp như 700 MHz là vô cùng cần thiết.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, việc sở hữu băng tần 700 MHz sẽ giúp họ mở rộng hạ tầng, tăng cường vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng dịch vụ 4G, từ đó thu hút thêm khách hàng và gia tăng doanh thu.

Người dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc cải thiện chất lượng mạng di động. Họ có thể trải nghiệm tốc độ truy cập internet nhanh hơn, ổn định hơn, cũng như kết nối di động liên tục và mượt mà hơn, đặc biệt là ở những khu vực có tín hiệu yếu.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục