Việt Nam đang có môi trường thuận lợi để phát triển tiền kỹ thuật số

(Banker.vn) Việt Nam đang từng bước chuyển mình để trở thành một xã hội không sử dụng tiền mặt. Thanh toán điện tử đang phát triển mạnh mẽ, vươn tới các vùng hẻo lánh. Hơn nữa, công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã có những tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua. Đây là các yếu tố góp phần quan trọng tạo ra môi trường thuận lợi trong việc hình thành và nuôi dưỡng nền kinh tế số và hỗ trợ sự phát triển của Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) tại Việt Nam.

Nhận định trên vừa được PwC đưa ra trong Báo cáo chỉ số phát triển "Cuộc đua Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) - Tiêu điểm: châu Á”, trong đó chỉ ra các dự án CBDC tại khu vực và 3 xu hướng CBDC nổi bật trên toàn cầu. Đây là báo cáo được trích ra từ ấn phẩm đầu tiên về Chỉ số CBDC toàn cầu của PwC, ra mắt vào tháng 4/2021. Báo cáo này nhằm đưa ra thước đo tiến độ cho các dự án CBDC với hai mô hình chính: Bán lẻ; liên ngân hàng/bán buôn. CBDC bán lẻ do người tiêu dùng và doanh nghiệp trực tiếp nắm giữ, trong khi CBDC liên ngân hàng/bán buôn chỉ dành cho các tổ chức tài chính với mục đích thanh toán liên ngân hàng hoặc quyết toán tài chính.

Báo cáo cho biết, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và sự phát triển của thanh toán không tiếp xúc, CBDC - một dạng tiền điện tử chính thức của một quốc gia - hứa hẹn sẽ trở thành nhân tố tiếp theo thay đổi cục diện ngành ngân hàng và thanh toán trên toàn thế giới. CBDC sẽ cho phép thực hiện giao dịch, dù là trong hay ngoài nước, một cách an toàn và hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Mặc dù CBDC vẫn đang là một khái niệm khá mới mẻ, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm và đang xem xét ứng dụng CBDC rộng rãi.

Tại Việt Nam, PwC cho biết, trong Báo cáo "Người tiêu dùng toàn cầu" gần đây do Statista thực hiện tại 74 quốc gia, Việt Nam hiện xếp thứ 2 với số người đã hoặc đang sở hữu một dạng tiền điện tử nào đó.

Những tín hiệu tích cực

Trong báo cáo, PwC đánh giá, Việt Nam đang có môi trường thuận lợi để CBDC phát triển.

Cụ thể, Việt Nam đang từng bước chuyển mình để trở thành một xã hội không sử dụng tiền mặt. Người Việt Nam đã không còn xa lạ với các loại ví điện tử và ứng dụng thanh toán (như Momo, Moca, ZaloPay...) - với 85% người tiêu dùng hiện sử dụng ít nhất một trong số đó và 42% đã chuyển qua hình thức thanh toán không tiếp xúc tính đến năm 2020.

Theo "Báo cáo số 2021: Tiêu điểm Việt Nam", Việt Nam đạt tới 154,4 triệu kết nối di động vào tháng 1/2021, chiếm 157,9% dân số cả nước. Trong khi Chính phủ dự báo các giao dịch thanh toán không tiền mặt sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 20 - 25%, thanh toán điện tử có khả năng phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, vươn tới các vùng hẻo lánh.

Hơn nữa, công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã có những tiến bộ vượt bậc tại Việt Nam trong thời gian qua. Đáng chú ý, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chính thức ra mắt akaChain, một nền tảng công nghệ blockchain do FPT Software phát triển và áp dụng như một giải pháp định danh số. Trong lĩnh vực tư nhân, rất nhiều các dự án về blockchain tại Việt Nam đã tạo ra tiếng vang trong và ngoài nước, bao gồm Axie Infinity, KardiaChain, My Defi Pet,... Các yếu tố trên góp phần quan trọng tạo ra môi trường thuận lợi trong việc hình thành và nuôi dưỡng nền kinh tế số và hỗ trợ sự phát triển của CBDC tại Việt Nam.

PwC cũng nhận thấy những tín hiệu tích cực từ Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có những biện pháp ứng phó đối với nhu cầu sử dụng tiền kỹ thuật số ngày càng gia tăng thông qua một số quy định liên quan đến việc quản lý tài sản số, tiền ảo và tiền số. Hành trình này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.

Căn cứ theo Quyết định 942/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 15/6/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được giao vai trò nghiên cứu và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số, dựa trên công nghệ blockchain, trong vòng 3 năm tới. Ngoài ra, NHNN, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang bắt tay vào nghiên cứu cơ chế pháp lý cho quản lý tài sản ảo và tiền ảo. Vào năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã thành lập tổ nghiên cứu về vấn đề này.

Chia sẻ về chủ đề này, bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo Dịch vụ tư vấn Tài chính tại PwC Việt Nam, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận với tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương. Quyết định 942/QĐ-TTg hứa hẹn sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam đối với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến khác. Đồng thời, quyết định này cũng cho thấy sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt và nền kinh tế số mạnh mẽ trong tương lai”.

Việt Nam sẽ gia nhập cuộc đua phát triển CBDC cùng khu vực?

Báo cáo của PwC cho biết, đang có 3 xu hướng chính trong phát triển CBDC trên toàn cầu trong năm 2021, cụ thể:

Xu hướng nổi bật đầu tiên, các dự án CBDC đang có những bước tiến đáng kể. Thống kê của PwC cho biết, có hơn 60 Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới đã nghiên cứu CBDC từ năm 2014. Tại châu Á, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia đã chính thức tham gia cuộc đua phát triển tiền điện tử.

Xu hướng nổi bật tiếp theo, tiến độ của CBDC được đẩy nhanh với nhiều dự án bán buôn và bán lẻ được phát triển mạnh mẽ.

Xu hướng nổi bật cuối cùng, hơn 88% các dự án CBDC đang trong giai đoạn thử nghiệm hay sản xuất, đều sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) nhằm tận dụng một số ưu điểm chính của công nghệ này như độ bảo mật cao, tính minh bạch và khả năng lập trình đa dạng.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các dự án CBDC bán lẻ phát triển hơn tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi, nơi có động lực chính là tài chính toàn diện và số hoá. Ba dự án CBDC lớn nhất tại châu Á thuộc về Campuchia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Dự án Bakong của Campuchia hiện đứng đầu tại châu Á và thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Bahamas. Đây là một trong hai dự án CBDC bán lẻ duy nhất đã được chính thức đi vào hoạt động. Vào tháng 8/2021, Bakong đã đạt thêm một bước tiến mới cùng với sự ra mắt của các giao dịch xuyên quốc gia giữa Campuchia và Malaysia. Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã bắt đầu thí điểm CBDC bán lẻ, tuy nhiên, hai quốc gia này hiện chưa ấn định ngày chính thức ra mắt rộng rãi.

PwC cho biết, các dự án CBDC bán buôn có thời gian nghiên cứu ngắn hơn nhưng đòi hỏi chương trình thử nghiệm dài hơn so với CBDC bán lẻ. Tính tới nay, vẫn chưa có dự án CBDC bán buôn nào thật sự chín muồi. Tuy nhiên, khoảng 70% số dự án CBDC bán buôn được công bố đang chạy thử nghiệm với nhiều sáng kiến tân tiến. Những chương trình này đa số tập trung vào các dự án xuyên quốc gia, cho phép các Ngân hàng Trung ương thử nghiệm mức độ kết nối quốc tế và khả năng tương tác của dự án. Một số dự án bán buôn nổi bật tại châu Á có thể kể đến như Ubin (Singapore) và Stella (Nhật Bản)...

Theo ông Võ Tấn Long, Giám đốc Chuyển đổi số tại PwC Việt Nam, các dự án CBDC thành công và sự phát triển của giấy phép ngân hàng số sẽ trở thành bước đệm thúc đẩy tài chính toàn diện tại châu Á. Chính phủ Việt Nam đã khởi động chiến lược tài chính toàn diện toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 149/QĐ-TTg. Việc CBDC có thể hiện thực hoá hay không sẽ phụ thuộc vào khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ việc phát hành và phân phối tiền số cũng như phương pháp giải quyết rủi ro về bảo mật.

Mặc dù luật pháp Việt Nam chưa công nhận tiền số là phương pháp thanh toán hợp pháp nhưng theo PwC đây chính là thời điểm thích hợp để khám phá xu hướng tất yếu này. Một ví dụ nổi bật có thể kể đến là chương trình hợp tác nghiên cứu về cơ sở pháp lý cho quản lý tiền ảo và tài sản ảo giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Những nỗ lực trên cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có quan điểm cởi mở hơn về các loại tiền kỹ thuật số. Mặc dù chương trình thí điểm tiền kỹ thuật số vẫn chưa ấn định thời gian cụ thể, động thái của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam sẽ là tâm điểm trong thời gian tới.

Ngô Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ