Việt Nam có sức hút FDI mạnh bậc nhất Đông Nam Á

(Banker.vn) Việt Nam trở thành một trong những thỏi nam châm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ nhất Đông Nam Á nhờ có nhiều đặc điểm thân thiện với các nhà đầu tư.
Thu hút đầu tư nước ngoài: Đừng chỉ nhìn vào “mặt trái” của tấm huy chương Báo Mỹ: Việt Nam đang trở thành “nam châm” hút FDI ở Đông Nam Á
Việt Nam có sức hút FDI mạnh bậc nhất Đông Nam Á
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công VSIP Bắc Ninh 2 ngày 29.8.2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Thierry Mermet - Giám đốc điều hành của Source Of Asia (SOA), chuyên gia tư vấn cho các công ty đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và ASEAN, cho biết, triển vọng năm 2023 về môi trường kinh doanh ở Việt Nam cho thấy những dấu hiệu cải thiện đầy hứa hẹn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 10 tỉ USD trong quý I/2023, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. SOA dự báo xu hướng tăng trưởng FDI này sẽ tiếp tục.

Về lâu dài, theo ông Mermet, “Việt Nam đang thực sự củng cố vị thế là một trong ba nơi hàng đầu mà các doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư”. Theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), 3% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chọn Việt Nam là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu.

90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Global Finance liệt kê những dấu hiệu cho thấy sức hút của Việt Nam, trong đó phải kể đến nhà sản xuất xe điện nội địa VinFast gần đây đã trở thành nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới tính theo vốn hóa thị trường, sau Tesla và Toyota.

Kể từ năm 2020, Việt Nam đã là một trong những điểm đến ưa thích của các công ty Nhật Bản lựa chọn chuyển sản xuất sang khu vực ASEAN. Trong khi đó, Mỹ đang tăng cường quan hệ kinh tế và kỹ thuật với Việt Nam sau khi hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Joe Biden.

Trong chuyến thăm gần đây tới Thành phố Hồ Chí Minh, Jacqueline Poh - Giám đốc Điều hành Ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) - đã gặp gỡ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, robot và năng lượng tái tạo. Bà ghi nhận các công ty đều có tinh thần làm việc năng động và hỗ trợ lẫn nhau. Chính sự kết hợp mạnh mẽ này đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương thuận lợi.

Bà Poh cũng nhấn mạnh về sự tăng trưởng của các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), khu đầu tiên được thành lập vào năm 1996, đã thu hút được 18,7 tỉ USD đầu tư cho đến nay và tạo ra 300.000 việc làm tại Việt Nam.

Các ví dụ khác minh chứng cho sức hấp dẫn của Việt Nam có thể kể đến là Apple đặt nhà máy sản xuất AirPods tại Việt Nam. Lego vừa khởi công một nhà máy khổng lồ ở Bình Dương. Việt Nam đang nâng cao chuỗi giá trị từ giày dép và hàng may mặc sang công nghệ cao, bao gồm các công ty fintech nội địa như nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Momo, ZaloPay và VNPay cũng như các công ty khởi nghiệp nước ngoài. Nhờ đó, dự kiến chi tiêu vốn sẽ tăng trưởng nhanh chóng, cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong nước.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng ngày một hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam. Các quỹ này có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, với sự quan tâm ngày càng tăng từ phương Tây, bao gồm cả Mỹ.

laodong.vn

Theo: Báo Công Thương