Việt Nam cần làm gì để Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường?

(Banker.vn) Việt Nam cần tiếp tục chuyển đổi, hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, phối hợp giải trình để Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường.
Quan điểm của Bộ Công Thương về việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể ảnh hưởng đến phòng vệ thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền kinh tế thị trường

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế với phóng viên Báo Công Thương sau quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Đánh giá về quyết định của Hoa Kỳ, TS.Nguyễn Minh Phong - bày tỏ, khá bất ngờ. Cá nhân ông cũng như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt lấy làm tiếc và thất vọng trước phán quyết này từ phía Hoa Kỳ.

“Thất vọng bởi vì lúc đầu Hoa Kỳ đã tỏ ra khá mặn nồng, cũng như trước triển vọng khi chúng ta vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao với phía bạn. Đặc biệt là Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đồng thời cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của Hoa Kỳ. Cũng như, trên thực tế Việt Nam đã được 72 nước công nhận là nền kinh tế thị trường” - TS. Nguyễn Minh Phong bày tỏ.

TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

Theo vị chuyên gia, dù thất vọng, song Việt Nam sẽ không lùi bước. “Thời gian tới, chúng ta tiếp tục phải chuyển đổi, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận và gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đặc biệt, là tiếp tục tăng cường các thông tin, phối hợp giải trình, giải thích, cũng như vận động cộng đồng thế giới” - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về những nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cấp nền kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, thời gian qua, Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực khẳng định, xây dựng và phát triển hiện thực hoá các thể chế kinh tế thị trường cả trong các văn kiện và quy định pháp lý nền tảng của Đảng, Nhà nước, cũng như trong hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành trên thực tế trong các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.

Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Xuất nhập khẩu hàng hóa
Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, trong suốt gần 40 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới- Ảnh minh họa

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.

Đến nay, Việt Nam đang có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước, vùng lãnh thổ; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 quốc gia, đối tác thương mại quốc tế, trong đó có CPTPP, EVFTA, RCEP... tạo sân chơi thương mại tự do với cộng đồng các quốc gia chiếm trên 50% tổng thương mại và GDP toàn cầu.

Vị chuyên gia nêu dẫn chứng từ bài viết đăng tải trên mạng geopoliticalmonitor.com ngày 11/3/2024 của nhà nghiên cứu James Borton tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins (Mỹ) đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế. Tác giả dẫn báo cáo kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, cơ quan này đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 70 trên 190 nền kinh tế đáng khen, phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

“Trong suốt quá trình đó có đóng góp không nhỏ của Bộ Công Thương, cả trong các cuộc đàm phán, vận động công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam, cũng như trong xây dựng và triển khai các thể chế quản lý nhà nước bảo đảm bám sát các nguyên tắc và yêu cầu kinh tế thị trường, các cam kết quốc tế của Chính phủ, góp phần định hình nền kinh tế thị trường, cải thiện và củng cố vị thế đối ngoại, cũng như bảo vệ thị trường và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” - TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Đồng thời bày tỏ: “Việc Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế thị trường cho nền kinh tế Việt Nam là kết quả đáng tiếc cho hành trình kéo dài, với những nỗ lực to lớn Việt Nam nói chung, của Bộ Công Thương nói riêng. Song chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng nghiên cứu, bổ sung các lập luận để thuyết phục Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quyết định này”.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục